Theo ông Naqdi, biển Địa Trung Hải, eo biển Gibraltar và các tuyến đường thủy khác có thể bị đóng cửa cùng lúc: "Họ có thể sẽ sớm phải đối mặt với việc này".
Đáng chú ý là Iran không có đường tiếp cận trực tiếp tới Biển Địa Trung Hải, nhưng Chuẩn tướng Mohammad Rezu Naqdi trong tuyên bố của mình đã đề cập đến sự xuất hiện của lực lượng kháng chiến mới.
"Hôm qua Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz đã trở thành cơn ác mộng đối với họ, còn hôm nay họ sẽ mắc kẹt ở Biển Đỏ", nhà lãnh đạo quân sự Iran nhấn mạnh và được truyền thông nước này trích dẫn.
Chúng ta hãy lưu ý rằng Mỹ vẫn chưa quyết định tấn công nhóm vũ trang Houthi ở Yemen, mặc dù các thông báo về sự sẵn sàng của tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower đã được đăng tải từ vài ngày trước.
Giải thích cho sự thiếu quyết đoán của Mỹ, các chuyên gia quân sự lưu ý rằng Washington thực sự lo ngại về nguy cơ bùng nổ các hành động thù địch toàn diện trong khu vực và sự tham gia sâu của Quân đội Mỹ vào cuộc xung đột.
Tình trạng này diễn ra ngay trước cuộc bầu cử tổng thống sẽ không có lợi cho nước Mỹ. Ngoài ra ngay cả các nhà phân tích quân sự cũng không dự đoán được hậu quả của một cuộc xung đột có thể xảy ra đối với Washington.
Tuy nhiên với diễn biến mới nhất, có thể Mỹ và các đồng minh sẽ đưa ra hành động quyết đoán hơn, bởi nếu lực lượng ủy nhiệm do Iran hỗ trợ như Hezbollah hay thậm chí Quân đội Syria gây phương hại đến tuyến giao thông tại Địa Trung Hải sẽ là thách thức chưa từng có.
Biển Địa Trung Hải và eo biển Gibraltar là khu vực có ý nghĩa sống còn đối với nhiều quốc gia châu Âu, thậm chí còn quan trọng hơn cả việc an ninh hàng hải tại Biển Đỏ bị đe dọa.
Quan trọng hơn, bước đi của Iran có thể khiến Mỹ và đồng minh tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn mà không còn lo ngại sự phản đối từ dư luận trong và ngoài nước.
Với thực tế trên, có lẽ lời đe dọa của Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Mohammad Rezu Naqdi về việc "đóng cửa" biển Địa Trung Hải là hết sức đáng chú ý
Diễn biến quan trọng đầu tiên được ghi nhận sau sự kiện trên là Tây Ban Nha - khi ý thức được nguy cơ trực tiếp đã hủy bỏ quyết định phủ quyết việc EU tham gia liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Washington đã triển khai lực lượng hải quân đáng kể ở Biển Đỏ và đang cố gắng thu hút các nước châu Âu và vùng Vịnh tham gia liên minh. Sự leo thang căng thẳng như hiện nay khiến kế hoạch của Mỹ có nhiều thuận lợi.
Hiện tại nhiều quốc gia Ả Rập chưa thể hiện rõ quan điểm, bởi họ lo ngại hình ảnh bản thân sẽ xấu đi trong thế giới Hồi giáo, đặc biệt trước bối cảnh Iran và nhóm vũ trang Houthi phản đối mạnh mẽ hoạt động quân sự của Israel ở Dải Gaza.
Mặc dù vậy, không loại trừ khả năng sắp tới UAE và Saudi Arabia sẽ tham gia chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng, bởi hai quốc gia này chính là đối tượng phải chịu thiệt hại cực lớn nếu các tuyến giao thông hàng hải chưa được sớm khôi phục.