Iran đòi Hàn Quốc giải phóng 7 tỉ USD đổi tàu chở dầu bị bắt
Thứ trưởng Ngoại giao Iran yêu cầu Hàn Quốc giải phóng số tiền bảy tỉ USD mà nước này đang đóng băng theo lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết Iran đã yêu cầu Hàn Quốc tránh phi chính trị hóa việc tàu chở hàng MT Hankuk Chemi của họ bị Tehran bắt giữ ở Vùng Vịnh, hối thúc Seoul giải phóng số tiền 7 tỉ USD bị đóng băng theo các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Hôm 10-1, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong-kun đã đến Tehran để thảo luận về việc tàu MT Hankuk Chemi treo cờ Hàn Quốc bị Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt giữ gần eo biển chiến lược Hormuz vào ngày 4-1.
Chính quyền Iran bác bỏ cáo buộc cho rằng việc giam giữ tàu chở dầu cùng thủy thủ đoàn 20 người là hành động “bắt giữ con tin”. Thay vào đó, Tehran chỉ trích việc Seoul giữ số tiền 7 tỉ USD của Iran mới là “bắt giữ con tin”.
Trước đó hôm 5-1, phát ngôn viên chính phủ Iran thông báo rằng tàu chở dầu mang quốc kỳ Hàn Quốc đã bị bắt giữ dựa trên lệnh tòa án của Iran liên quan đến tội “gây ô nhiễm môi trường”.
Phản bác lại, công ty vận tải Taikun Shipping sở hữu tàu MT Hankuk Chem có trụ sở tại Busan đã bác bỏ cáo buộc này và khẳng định không có dấu hiệu gì cho thấy các nhà chức trách Iran đã điều tra khả năng vi phạm ô nhiễm môi trường trước khi bắt giữ con tàu.
Thảo luận cùng người đồng cấp Hàn Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi nói rằng chính quyền Seoul “nên kiềm chế việc chính trị hóa vấn đề và ngừng thực hiện những hoạt động tuyên truyền vô ích”.
“Trong khoảng hai năm rưỡi trở lại đây, các ngân hàng Hàn Quốc đã đóng băng tiền của Iran. Đó là điều không thể chấp nhận được. Theo quan điểm của chúng tôi, điều này là do Seoul thiếu ý chí để giải quyết vấn đề trước lệnh trừng phạt của Mỹ” - ông Araqchi nhận định.
Mỹ đã tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran vào năm 2018 sau khi Tổng thống Donald Trump rút Washington ra khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Tehran.
Đáp trả lại, Iran đã liên tục có những bước đi giảm dần các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân, theo SCMP.