Iran giảm tiếp cam kết hạt nhân, chỉ trích châu Âu thất hứa
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (IAEO) thông báo rút bớt cam kết trong thỏa thuận hạt nhân 2015, đồng thời chỉ trích châu Âu thất hứa trong việc bảo vệ Tehran khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ.
"Thỏa thuận hạt nhân không phải là con đường một chiều, tức chỉ Iran phải thực thi nó. Nếu nó trở thành một con đường như vậy, Iran sẽ có những biện pháp cần thiết vào đúng thời điểm để phản ứng, giống như ba bước mà chúng tôi tiến hành đến nay", Giám đốc IAEO Ali Akbar Salehi ngày 8-9 tuyên bố với Cornel Feruta, quyền Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), theo Reuters.
Ông Cornel Feruta có chuyến thăm tới Tehran một ngày sau khi Iran ngày 7-9 tuyên bố bắt đầu bơm khí uranium vào các ống ly tâm hiện đại để làm giàu uranium ở tốc độ nhanh hơn, có thể lên ngưỡng 20% – bước thứ ba mà Iran vừa tuyên bố triển khai nhằm đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận.
Theo đại diện Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran, từ khi Mỹ rút đi, liên minh châu Âu (EU) là bên đứng ra thay thế Mỹ thực thi các điều khoản thỏa thuận, song EU đã không hoàn thành lời hứa của mình.
"Người phát ngôn của EU đã nói họ sẽ duy trì cam kết với thỏa thuận hạt nhân miễn là Iran còn ở lại. Tuy nhiên, tôi phải tự hỏi, họ có cam kết thất hứa trong thỏa thuận hay không? Thật không may, họ đã làm như vậy", Salehi nói thêm.
Trong một tuyên bố riêng rẽ do IAEA công bố, ông Cornel Feruta đã được thông báo về các hoạt động liên quan đến việc nghiên cứu và phát triển máy ly tâm của Iran. Cơ quan này nói rằng "sự tương tác vẫn đang diễn ra, đòi hỏi sự hợp tác đầy đủ và kịp thời của Iran".
Theo Reuters, thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc quy định Tehran không được phép sở hữu quá 300kg uranium làm giàu trước năm 2031. Ngoài ra, Tehran chỉ được làm giàu uranium ở tỷ lệ 3,67% để phục vụ cho các mục đích thuần túy dân sự.
Tuy nhiên, để đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận, Iran đã tăng tỉ lệ tinh khiết của uranium làm giàu lên ngưỡng 5% vào ngày 7-7, sau khi nâng lượng uranium làm giàu dự trữ quá mốc 300kg.
Nga, Trung Quốc và các nước châu Âu bày tỏ lo ngại về động thái trên. Pháp, quốc gia dẫn đầu các nỗ lực của châu Âu để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân, ngày 8-9 kêu gọi Iran dừng các bước phá vỡ cam kết, đồng thời hứa thúc đẩy nỗ lực giúp Iran chống đỡ lệnh trừng phạt của Mỹ.