Iran kéo tàu ngầm Fateh ra Eo biển Hormuz, Mỹ lập tức rút máy bay
Mỹ đã rút các máy bay không người lái khỏi khu vực Eo biển Hormuz khi biết tin lực lượng Iran, gồm tàu chiến, tàu ngầm, tiến hành tập trận bắn đạn thật quy mô lớn tại đây.
Times of Israel cho biết quân đội Iran ngày 10/9 đã bắt đầu cuộc tập trận quy mô lớn thường niên mang tên Zolfaghar-99 ở phía Đông Eo biển Hormuz thuộc Vịnh Oman để kiểm tra khả năng phối hợp ứng phó "các mối đe dọa từ bên ngoài cũng như các âm mưu xâm lược tiềm tàng".
Cuộc tập trận diễn ra trên khu vực rộng gần 2 triệu km2 trên Vịnh Oman đến 12/9 với sự góp măt của nhiều tàu chiến, đáng chú ý nhất là tàu ngầm Fateh do Iran tự phát triển và máy bay không người lái Simorgh.
Truyền thông địa phương cho hay, Iran có khả năng sẽ thử nghiệm vũ khí mới trong cuộc tập trận, song không nêu chi tiết.
Theo Iran Press dẫn lời Đô đốc Shahram Irani của Hải quân Iran, nước này đã phát cảnh báo các phương tiện bay tránh xa khu vực tập trận. "Sau thông báo bắt đầu cuộc tập trận, các phương tiện bay không người lái (UAV) của Mỹ đã thay đổi hành vi đáng kể", quan chức Iran nói.
Người này cũng nhấn mạnh các máy bay của Iran sẽ hoạt động thường xuyên trên khu vực tập trận để ngăn máy bay lạ xâm nhập địa điểm tập trận và xua đuổi thiết bị trinh sát của đối phương.
Cuộc tập trận của Iran diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này và Mỹ trên thực địa ở Eo biển Hormuz chưa thuyên giảm. Năm ngoái, Iran đã bắn rơi một máy bay không người lái MQ-4C Triton trị giá gần 200 triệu USD của Mỹ trên Eo biển Hormuz.
Khi nhóm tàu sân bay Mỹ được tăng cường tới đây, Tư lệnh không quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Amirali Hajizade từng tuyên bố nếu đội tàu của Mỹ có "động thái" bất thường ở vùng Vịnh thì IRGC sẽ lập tức tấn công phủ đầu.
Eo biển Hormuz là tuyến vận tải dầu mỏ huyết mạch nối Vịnh Ba Tư và Vịnh Oman, nơi trung chuyển 15%-20% tổng lượng dầu thô toàn cầu, hay hơn 30% lượng dầu thô thế giới được vận chuyển bằng đường biển. Hầu hết dầu khí do các nước Vùng Vịnh khai thác đều đi qua đây trước khi tới Mỹ, Nhật và Tây Âu.