Iran kêu gọi các cường quốc châu Âu thực thi cam kết trong JCPOA
Ngày 20/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh tuyên bố Pháp, Đức và Anh (còn gọi là E3) cần thực hiện cam kết của họ liên quan đến thỏa thuận đa phương JCPOA.
Iran kêu gọi 3 cường quốc châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân với Tehran năm 2015 gồm Pháp, Đức và Anh, thực thi cam kết nhằm bảo vệ quyền lợi hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo theo thỏa thuận này.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, ngày 20/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh tuyên bố Pháp, Đức và Anh (còn gọi là E3) cần thực hiện cam kết của họ liên quan đến thỏa thuận đa phương này.
Theo ông, các hoạt động hạt nhân vì mục đích hòa bình của Iran hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế, hợp pháp và chính đáng. Bên cạnh đó, Tehran sẵn sàng thực thi lại các cam kết của mình nếu các bên khác tuân thủ nghĩa vụ của riêng họ.
Lập trường của Iran được đưa ra sau tuyên bố gần đây của E3, trong đó kêu gọi Iran tuân thủ các nghĩa vụ trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA - tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân năm 2015) và hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA năm 2018, Iran đã cắt giảm một số cam kết cũng như cáo buộc châu Âu không thực hiện các nghĩa vụ để bảo vệ quyền lợi của Tehran.
Trong một phát biểu ngày 18/11, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố nước này sẽ tự động quay lại các cam kết hạt nhân nếu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã áp đặt đối với Tehran trong suốt hai năm qua.
Ông cho biết với tư cách là thành viên trong Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an, Mỹ có nghĩa vụ thực thi Nghị quyết 2231 - văn kiện ủng hộ thỏa thuận JCPOA.
Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh, nếu Mỹ thực thi nghị quyết này và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, thì sẽ không có rào cản nào đối với các hoạt động kinh tế của Iran, từ đó Tehran có thể thực thi các nghĩa vụ theo đúng thỏa thuận hạt nhân.
Năm 2015, Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) đã ký với Iran thỏa thuận hạt nhân JCPOA nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí.
Tuy nhiên, vào tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Để đáp trả lại động thái này, kể từ tháng 5/2019, Iran đã dần từ bỏ các nghĩa vụ quan trọng trong thỏa thuận JCPOA./.