Iran mời Nga đầu tư vào lĩnh vực năng lượng đặc biệt không bị trừng phạt

Với tham vọng trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu hóa dầu lớn nhất khu vực trong vòng 5 năm tới, Iran đã mời Nga tham gia khai thác các cơ hội trong lĩnh vực này. Cho đến nay, ngành công nghiệp hóa dầu của Iran không phải là mục tiêu của các lệnh trừng phạt quốc tế.

Tổ hợp hóa dầu ở mỏ khí Nam Pars tại Asalouyeh, Iran năm 2015. Ảnh: AP

Tổ hợp hóa dầu ở mỏ khí Nam Pars tại Asalouyeh, Iran năm 2015. Ảnh: AP

Theo trang tin Oilprice.com mới đây, kể từ năm 1979, Iran đã coi lĩnh vực hóa dầu của mình như một chìa khóa cho mô hình "nền kinh tế kháng chiến" nhằm tạo ra lợi nhuận. Là đối tác lâu năm của mình, Nga, đang đối mặt với các lệnh trừng phạt giống như Iran, không có gì ngạc nhiên khi Tehran đã mời Moskva tham gia sâu hơn vào lĩnh vực này, với mục tiêu đưa Iran trở thành nhà sản xuất hàng đầu của Trung Đông và là nhà xuất khẩu lớn trên thế giới trong lĩnh vực này vào năm 2027.

Cụ thể, tuần trước Giám đốc điều hành mới của Công ty Hóa dầu Quốc gia Iran (NPC), Morteza Shahmirzaei, đã mời các công ty Nga giúp họ khai thác các cơ hội trong lĩnh vực hóa dầu của mình. Điều thú vị là, lời mời này không chỉ giới hạn đối với các công ty Nga đầu tư và làm việc trực tiếp trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu của Iran mà còn được mở rộng đối với nguồn nguyên liệu cho lĩnh vực hóa dầu, tất nhiên bao gồm tất cả lĩnh vực dầu và khí đốt của Iran.

Ông Shahmirzaei nói: “Iran có trữ lượng hơn 159 tỷ thùng dầu và khoảng 33 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên. Một phần của sản lượng này được tiêu thụ làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp hóa dầu của Iran", nhấn mạnh rằng Iran có các cơ hội địa chính trị cho Nga thông qua sự hợp tác như vậy vì Tehran có biên giới biển rộng lớn.

Lưu ý rằng Iran có khả năng tiếp cận 5.600 km đường bờ biển ở phía Bắc và phía Nam của nước này, ông Shahmirzaei khẳng định: “Việc có nhiều cảng trên những bờ biển này đã cung cấp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi các sản phẩm và hoạt động của dầu, khí đốt, hóa dầu và các ngành công nghiệp khác". Theo đó, ông Shahmirzaei ám chỉ rằng sự hợp tác là chìa khóa để Nga có quyền tiếp cận tất cả các tuyến đường này, vì vậy cho phép họ có thể lách các lệnh trừng phạt.

Hiện tại, Iran không phải đối mặt với bất kỳ lệnh trừng phạt nào của phương Tây đối với hoạt động kinh doanh hóa dầu của Iran và khối này cũng không có kế hoạch áp đặt chúng. Trong khi đó, Nga đang không bị ràng buộc với Mỹ trong việc phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn với Iran.

Trong lĩnh vực hóa dầu, Nga có chuyên môn rất cao trong lĩnh vực này và đã thể hiện sự sẵn sàng tham gia vào các dự án như vậy, được minh chứng tại nước láng giềng Iraq của Iran trong việc tiếp quản để phát triển nhà máy hóa dầu Nebras ở trung tâm dầu mỏ phía Nam Basra.

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với kế hoạch của Iran vì trước khi Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt vào năm 2018, hai trong số các mục tiêu chính của Tehran là trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu hóa dầu số một ở Trung Đông và trở thành nhà xuất khẩu xăng dầu lớn trong và ngoài khu vực.

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/iran-moi-nga-dau-tu-vao-linh-vuc-nang-luong-dac-biet-khong-bi-trung-phat-20220428161304951.htm