Bất chấp sự phản đối từ Mỹ, Moscow có thể tiến gần hơn đến một thỏa thuận với Tehran, theo đó Iran có thể mua được hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf tiên tiến của Nga; và trên thực tế, Mỹ hiện không có quyền cấm Iran mua vũ khí của Nga.
Đại sứ Nga tại Iran Levan Jagarian, trong trả lời phỏng vấn tờ báo Resalet cho rằng, Nga không thấy có “vướng mắc” gì, trong việc bán hệ thống tên lửa phòng không S-400, khi lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Iran đã hết hiệu lực vào ngày 18/10/2020. Ảnh: Ông Levan Jagarian, Đại sứ Nga tại Iran.
Ông Jaragain cho biết: “Chúng tôi không sợ những lời đe dọa của Mỹ và chúng tôi sẽ thực hiện đúng cam kết của mình; điều đó bao gồm việc xem xét các yêu cầu vũ khí của Iran, bất chấp sức ép từ Mỹ và các đồng minh, nhằm cô lập chính phủ ở Tehran”.
Vào tháng 8/2020, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bác bỏ đề xuất của Mỹ, về việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Iran. Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Iran, được đưa ra như một phần của Kế hoạch hành động Toàn diện chung năm 2015 - thường được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tờ Newsweek của Mỹ đưa tin, Chính quyền Trump đã rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018, nhưng tuyên bố rằng, việc chấm dứt lệnh cấm vận có thể gây bất ổn hơn nữa cho khu vực, vì Tehran có thể ngay lập tức tìm mua vũ khí từ các cường quốc khác. Ảnh: Hệ thống phòng không S-300PMU của Iran.
Do Mỹ hiện không có lý do nào để áp đặt lệnh cấm quốc tế bán vũ khí cho Iran, nên Mỹ đã cảnh báo rằng, khi lệnh cấm vận vũ khí của quốc tế với Iran hết hiệu lực, vũ khí do Iran cung cấp, có thể tràn vào các khu vực xung đột lân cận, bao gồm cả Iraq, Lebanon và Yemen - nơi Tehran hỗ trợ các nhóm chiến binh thân Iran. Ảnh: Lực lượng vũ trang Hezbollah thân Iran.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf, được phát triển và sản xuất bởi Công ty Almaz-Antey (Nga), được thiết kế để bảo vệ khỏi các cuộc không kích bao gồm tên lửa đạn đạo, hành trình, tên lửa chiến thuật, cũng như các loại máy bay trong môi trường bị đối phương gây nhiễu sóng vô tuyến.
S-400 được coi là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Tên lửa 40N6 của hệ thống S-400, được thiết kế để tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lên đến 400 km, với tốc độ gấp sáu lần tốc độ âm thanh và ở độ cao lên đến 30 km và bị đối phương gây nhiễu.
Hệ thống phòng không S-400 đã được xuất khẩu cho Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus và Trung Quốc; nhưng Moscow đã hoãn tất cả các chuyến giao hàng liên quan đến S-400 cho Bắc Kinh. Có thông tin cho rằng, điều này nhằm duy trì cán cân quân sự giữa Bắc Kinh và New Delhi.
Quân đội Iran hiện đang sử dụng nhiều hệ thống tên lửa phòng không nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu từ nửa thế kỷ trước; nhưng sau cuộc cách mạng Hồi giáo tại Iran năm 1979, Iran bị cấm vận và không có cơ hội tiếp cận các hệ thống phòng không tiên tiến của phương Tây; mặc dù Iran cũng mua hạn chế một số hệ thống phòng không từ Nga và Trung Quốc. Ảnh: Hệ thống phòng không Hawk mà Iran mua của Mỹ - Nguồn: IRNA
Nếu lực lượng phòng không Iran được trang bị hệ thống S-400, vũ khí này có thể mang lại cho Tehran khả năng đánh chặn có hiệu quả các loại máy bay của phương Tây và thậm chí có thể cả máy bay chiến đấu tiên tiến như máy bay chiến đấu tàng hình F-35.
Mới năm ngoái, Nga đã từ chối yêu cầu đề nghị mua hệ thống S-400 của Iran, với lý do lo ngại rằng việc triển khai có thể làm gia tăng căng thẳng an ninh ở Trung Đông. Nhưng bây giờ, có vẻ như Moscow có thể đáp ứng yêu cầu từ Tehran.
Mặc dù chưa có sự “ngỏ lời” chính thức nào, về mua hệ thống phòng không S-400, được Iran đưa ra với Nga; nhưng vẫn chưa rõ, liệu Moscow có sẵn sàng bán S-400 cho Iran hay không? Hay đây chỉ là ván bài mặc cả chính trị của Nga, nhằm gây “sức ép” với Mỹ và phương Tây?
Nhưng tính tới thời điểm hiện tại, S-300PMU2 vẫn là hệ thống phòng không hiện đại nhất của Iran; hệ thống phòng không này, Nga đã bàn giao cho Iran vào năm 2016, bất chấp sự phản đối của Mỹ và Israel khi đó. Ảnh: Hệ thống phòng không S-300PMU2 của Iran – Nguồn ảnh: Topwar.
Cận cảnh tổ hợp tên lửa S-400 Triumf do Nga sản xuất.
Tiến Minh