Iran, Mỹ, EU và cuộc đấu trí 'cân não'
Hôm 1-7 vừa qua, Iran tuyên bố nước này đã vượt ngưỡng uranium làm giàu mà họ được phép sở hữu theo thỏa thuận hạt nhân có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã xác nhận tuyên bố này của nước Cộng hòa Hồi giáo. Diễn biến này cho thấy Iran, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang trong một cuộc đấu trí 'cân não' đầy căng thẳng.
EU kẹt giữa Mỹ và Iran
Năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký bởi Iran cùng với Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, EU và Mỹ, với lý do nó không đủ nghiêm khắc với Tehran. Không chịu kém cạnh, Iran tuyên bố sẽ đẩy nhanh hơn nữa chương trình làm giàu uranium nếu các bên không thực hiện những bước đi nhằm giảm bớt căng thẳng kinh tế do các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt gây ra cho nền kinh tế Iran. Hiện nay, căng thẳng đã leo thang rất cao giữa Mỹ và Iran. Việc tuân thủ phần còn lại của thỏa thuận hạt nhân hiện phụ thuộc vào châu Âu - bên đang bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu trực tiếp giữa Washington và Tehran.
Trong nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân, các nhà ngoại giao cấp cao của Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga đã gặp các quan chức Iran ở Vienna (Áo) hôm 28-6 vừa qua. Họ đã thông báo rằng một cơ chế thương mại có tên là INSTEX, được thiết lập nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ, đang hoạt động. Tuy nhiên, phía Iran nói rằng điều đó là không đủ. Dù vậy, bà Ellie Geranmayeh - thành viên chính sách cấp cao và PGĐ Chương trình Trung Đông-Bắc Phi của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) - cho rằng những từ ngữ trong tuyên bố cuối cùng của cuộc gặp ở Vienna cho thấy các nhà ngoại giao tin tưởng có thể tìm ra được các giải pháp.
Theo bà Geranmayeh, tình hình diễn ra như thế nào chủ yếu dựa vào điểm mấu chốt là sự tiến triển của Iran trong các cuộc đàm phán và số lượng dầu thô có thể sẽ được bán ra. Tehran đã có các cuộc tiếp xúc với Trung Quốc và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) liên quan đến xuất khẩu dầu mỏ. Đặc phái viên của Mỹ về Iran Brian Hook đã đưa ra tối hậu thư cho châu Âu, nói rằng EU có thể hoặc giao dịch với Mỹ hoặc làm ăn với Iran.
Ông Mitch Mohamed Ismaeel Mohamed, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, Quốc tế và Năng lượng Bahrain, nhận định: "không có Cty nào chọn Iran thay vì Mỹ. Kết quả là, trong khi các nước châu Âu có thể ủng hộ thỏa thuận hạt nhân, họ không thể đảm bảo nền kinh tế Iran tiếp tục được hưởng lợi bằng bất kỳ cách nào". Chuyên gia này cho rằng Iran đang cố dồn châu Âu vào chân tường khi tuyên bố họ sẽ không tuân thủ thỏa thuận như một chiến thuật đàm phán cuối cùng để xem liệu châu Âu có thể đưa ra bất cứ giải pháp đáng chú ý nào để hỗ trợ nền kinh tế Iran hay không. Ông nhấn mạnh: "Người Iran có rất ít thứ để mất và không có quân bài nào trong tay ngoài thứ này."
Nhận định của chuyên gia
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố hồi tháng 4 vừa qua, Iran phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát 37,2% kể từ khi Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt vào năm ngoái. Tiến sĩ Yossi Mansharof - chuyên gia về Iran tại Viện Chiến lược và an ninh Jerusalem, cho rằng một tác động của sự căng thẳng leo thang sẽ là sự gia tăng số vụ tấn công mạng từ cả hai phía.
Theo ông Mansharof, Iran đã sử dụng "các khả năng không gian mạng đáng kể" của họ để tấn công các mục tiêu "sống còn" ở Mỹ và Saudi Arabia. Theo ông, "vụ Iran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ mới đây là rất nguy hiểm đối với Iran và họ nhận ra rằng họ đã vượt qua lằn ranh đỏ với Tổng thống Trump, vì vậy, giờ đây họ sẽ chuyển chiến dịch tấn công sang lĩnh vực không gian mạng." Theo chuyên gia này, việc EU khăng khăng duy trì thỏa thuận hạt nhân và những nỗ lực bền bỉ của họ nhằm thiết lập một cơ chế né tránh các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ đang khuyến khích Iran gia tăng nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ trên khắp châu Âu.
Trong khi đó, bà Geranmayeh cho rằng Iran đang trả đũa để buộc Mỹ nới lỏng chiến dịch gây sức ép tối đa, vì cảm thấy bị cô lập và đang trong tình trạng chiến tranh kinh tế với Mỹ. Bà nhấn mạnh: "Iran đang ra hiệu rằng các hành động của Mỹ sẽ gây nhiều tổn hại, không chỉ với Iran mà còn đối với toàn bộ khu vực, dù là thị trường năng lượng bị xáo trộn hay năng lực quân sự của Mỹ bị xáo trộn. Iran sẽ không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân trong khi các lệnh trừng phạt được áp dụng." Theo chuyên gia này, rất khó để xác định Tổng thống Trump sẽ phản ứng thế nào với một chiến lược như vậy, mặc dù ông đã rút lại quyết định tấn công quân sự trả đũa Iran sau vụ máy bay không người lái của Mỹ bị bắn rơi.
Chuyên gia Mohamed của DERASAT cũng lưu ý rằng những căng thẳng hiện nay cũng có thể gây bất ổn cho toàn bộ khu vực Vùng Vịnh - chìa khóa cho sự ổn định của thế giới nói chung. Ông nhấn mạnh: "An ninh ở vùng Vịnh là an ninh của thế giới và nếu Iran chọn leo thang tình hình, đó sẽ là một tác động tiêu cực tổng thể - giá dầu sẽ tăng vọt, giá vàng và thương mại thế giới cũng sẽ bị đe dọa rất lớn." Theo ông, về cơ bản không bên nào thực sự muốn có chiến tranh và Iran đang chờ cơ hội của họ, chờ đợi cuộc bầu cử năm 2020 ở Mỹ với hy vọng Tổng thống Trump sẽ phải rời khỏi Nhà Trắng trong khi đồng thời đảm bảo rằng chính quyền hiện tại không thực hiện các bước tiếp theo về mặt quân sự.
Trong khi đó, bà Geranmayeh cho rằng mặc dù Iran có thể không thực sự muốn một cuộc chiến toàn diện với Mỹ nếu tiếp tục cảm thấy bị dồn vào chân tường, nhưng họ có thể thấy rằng họ có "ít thứ để mất hơn và có một chút lợi ích" khi mà khả năng nổ ra chiến tranh ngày càng gần hơn.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/iran-my-eu-va-cuoc-dau-tri-can-nao-154128.html