Iran-Mỹ leo thang căng thẳng: Cơ hội lớn đối với Nga

Hôm 20-6, căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã leo lên một nấc thang mới sau khi Tehran tuyên bố bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ trên vùng trời của nước này, dù giới chức quân đội Mỹ khẳng định chiếc máy bay bị bắn hạ trên không phận quốc tế. Theo giới phân tích, Iran và Mỹ càng leo thang căng thẳng, cơ hội của Nga trong việc thế chỗ Mỹ trên trường quốc tế sẽ càng lớn hơn.

Căng thẳng liên tục leo thang

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã bắn hạ một máy bay “do thám” không người lái RQ-4 Global Hawk của Mỹ “khi đi vào không phận của Iran gần quận Kouhmobarak ở miền Nam.” Quân đội Mỹ đã xác nhận một máy bay không người lái của họ đã bị bắn hạ, song tuyên bố chiếc máy bay lúc ấy thuộc không phận quốc tế.

Trước khi xảy ra vụ việc trên, hôm 19-6 Iran tuyên bố sẽ “đáp trả mạnh mẽ” nếu bất kỳ nước nào vi phạm không phận của mình. “Không phận của chúng tôi là lằn ranh đỏ của chúng tôi và Iran luôn đáp trả và sẽ tiếp tục đáp trả mạnh mẽ trước bất kỳ hành vi vi phạm không phận của chúng tôi” - Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran cho biết.

Căng thẳng Mỹ-Iran lên đỉnh điểm vào năm 2018 khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp ước hạt nhân do Iran ký với các cường quốc hồi năm 2015 đồng thời ông Trump cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt vào Tehran. Quan ngại về đụng độ quân sự gia tăng kể từ khi xảy ra các vụ tấn công vào hai tàu chở dầu ở Vịnh Oman hôm 13-6 và vào 4 tàu chở dầu ngoài khơi bờ biển Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hôm 12-5. Cả hai đợt tấn công này đều xảy ra gần Eo biển Hormuz, nơi án ngữ tuyến đường vận chuyển dầu và khí gas quan trọng của thế giới, chia tách các nước vùng Vịnh và Iran. Mỹ và đồng minh khu vực là Saudi Arabia đã cáo buộc Tehran tiến hành các vụ tấn công này, điều mà Iran bác bỏ. Quân đội Mỹ đã điều động các lực lượng, gồm tàu sân bay và máy bay ném bom B-52 đến Trung Đông. Tuy nhiên, Trump tuyên bố ông không muốn chiến tranh với Iran, dù giới chức quân đội Mỹ đã bóng gió đe dọa về khả năng nay. Những diễn biến này đã làm gia tăng lo ngại về nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm hoặc căng thẳng hơn nữa có thể đẩy Mỹ và Iran vào một cuộc xung đột công khai.

Cuộc đối đầu Iran-Mỹ đang gây ra nhiều căng thẳng. Ảnh tư liệu

Cuộc đối đầu Iran-Mỹ đang gây ra nhiều căng thẳng. Ảnh tư liệu

Cơ hội lớn cho Nga

Theo trang mạng firrstpost.com, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran hiện nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể nổi lên là một nhân tố then chốt trong việc xoa dịu sự thù địch đang ngày càng gia tăng giữa Washington và Tehran. Với việc bản tính không khoan nhượng của ông Trump đã tạo ra một lỗ hổng vị trí lãnh đạo trên trường quốc tế, Tổng thống Putin đã khẳng định bản thân mình là lựa chọn tốt nhất. Ông vừa có thể hành động như một nhà đàm phán hoàn hảo - nếu so sánh về vị trí địa lý gần Iran hơn là Trump – để đưa mối quan hệ Mỹ-Iran tránh khỏi chiến tranh, vừa có thể gây sức ép khiến Washington giảm bớt lập trường hiếu chiến của mình.

Nga từng chỉ trích việc đổ lỗi cho Iran về vụ tấn công vào các tàu chở dầu ở Vịnh Oman gần đây. Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vừa kết thúc tại Bishkek, Kyrgyzstan, mới đây, Tổng thống Putin đã ca ngợi mối quan hệ chiến lược của Nga với Iran. Sau khi gặp gỡ Tổng thống Iran Hassan Rouhani, ông nói rằng “mối quan hệ giữa Nga và Iran mang tính đa chiều và đa phương.”

Đây là giai đoạn mang tính thời cơ cho Nga để có thể can thiệp và thuyết phục cả Mỹ lẫn Iran phải thận trọng trong các bước đi của mình. Tổng thống Putin có thể sẽ tạo điều kiện cho một cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif, tất nhiên là trong điều kiện ông Trump phải kiềm chế người trợ lý hiếu chiến John Bolton của mình. Nga cũng sẽ thuyết phục Đức và Pháp cùng tham gia việc thuyết phục các ông Trump, Bolton và Pompeo không leo thang căng thẳng với Iran.

Nga, nước đã không phản đối việc Mỹ tấn công Iraq, và Pháp, nước có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), cùng chung chí hướng với Anh và Trung Quốc. Những vấn đề gai góc cần có những giải pháp cứng rắn: đây là lúc các cường quốc trong HĐBA LHQ sử dụng quyền phủ quyết của mình để đối phó với Mỹ nhằm tránh xảy ra một cuộc xung đột Mỹ-Iran.

Nếu những nỗ lực thuyết phục Mỹ không chọn giải pháp quân sự để xử lý cuộc khủng hoảng này thất bại, Nga cũng có thể sẽ sử dụng sức mạnh cơ bắp của mình. Hai nhà báo Pyotr Kortunov và Abdolrasool Divsallar viết trong một bài xã luận trên Thời báo Moscow ngày 28-5: “Nga có thể cung cấp cho Iran thông tin tình báo để hành động trước hoặc trong giai đoạn xảy ra chiến tranh với Mỹ. Sự sụp đổ của Cộng hòa Hồi giáo có thể làm suy yếu khả năng của Moscow trong chính sách cân bằng ở khu vực Tây Á. Điều này có khả năng sẽ phá hỏng chính sách của Nga ở Syria khi tạo thêm không gian hoạt động cho các nhóm có liên kết với Mỹ, từ đó làm suy yếu thêm chính phủ đang trong giai đoạn phục hồi của ông Assad.” Các nhà báo này nhấn mạnh: “Đặc biệt, một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Tehran và Washinton, có thể khiến các lực lượng quân sự lớn của Mỹ quay trở lại, là một thách thức địa chính trị đe dọa các lợi ích của Nga ở Tây Á.”

Theo hai nhà báo trên, sẽ không có gì là bất ngờ nếu Nga quyết định thực hiện một bước đi vượt quá khuôn khổ ủng hộ ngoại giao để bảo vệ các lợi ích của mình ở Tây Á, trong đó có một lựa chọn quân sự để hỗ trợ Iran. Thêm vào đó, một nước Nga có tham vọng toàn cầu đang hành động để đáp ứng những yêu cầu hiện nay là Moscow phải có sự đáp trả tương ứng với bất kỳ chính sách cực đoan nào của Mỹ nhằm vào Iran. Một trong những nguyện vọng chủ đạo của Putin về chính sách đối ngoại là khẳng định Nga như một siêu cường được toàn thế giới công nhận.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/iran-my-leo-thang-cang-thang-co-hoi-lon-doi-voi-nga-152662.html