Iran nêu điều kiện khôi phục thỏa thuận hạt nhân
Theo Reuters, ngày 7-2, lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei tuyên bố Mỹ phải dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt nếu Washington muốn Tehran đảo ngược các bước đi hạt nhân của nước này.
Tuyên bố trên được Đại giáo chủ Khamenei nhấn mạnh trong một bài đăng trên trang Twitter. Ông cho biết: "Iran đã hoàn thành các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, chứ không phải Mỹ và 3 nước châu Âu... Nếu họ muốn Iran quay lại các cam kết, Mỹ phải dỡ bỏ tất cả lệnh trừng phạt trước. Sau khi xác định các lệnh trừng phạt đã bị dỡ bỏ, chúng tôi sẽ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân".
Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng đã hối thúc Mỹ hành động nhanh chóng để trở lại thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, đồng thời nêu rõ luật định được Quốc hội Iran thông qua buộc chính phủ nước này phải có lập trường cứng rắn về vấn đề hạt nhân nếu đến ngày 21-2 tới các lệnh trừng phạt của Mỹ không được nới lỏng.
Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được ký giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức). Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Iran đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng mức làm giàu urani. Iran khẳng định nước này đủ năng lực làm giàu urani ở độ tinh khiết 90%, mức để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Sau khi lên nắm quyền, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần tuyên bố muốn làm sống lại JCPOA. Tuy nhiên, dù cả Mỹ và Iran đều tỏ rõ mong muốn quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hai bên vẫn còn những khác biệt về việc nước nào sẽ phải nhượng bộ trước.
Trong ngày đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, ông Antony Blinken đã tái khẳng định quan điểm Mỹ sẵn sàng trở lại JCPOA, nhưng không chấp nhận sức ép của Tehran buộc Washington phải hành động trước. Về phần mình, Iran kiên quyết rằng Mỹ phải nới lỏng các biện pháp trừng phạt trước, đồng thời bác bỏ mọi thay đổi đối với thỏa thuận này, cũng như những lời kêu gọi mở rộng các điều khoản của thỏa thuận và đưa các nước trong khu vực tham gia thỏa thuận. Giới chức Iran cũng nhấn mạnh, nước này sẵn sàng trở lại thỏa thuận hạt nhân với điều kiện có sự nhượng bộ và rằng Mỹ sẽ bồi thường cho Iran vì những thiệt hại kinh tế do các lệnh trừng phạt gây ra.
Vì chưa tìm được tiếng nói chung trong lộ trình trở lại JCPOA, đến nay, thỏa thuận này vẫn dừng lại ở mức “Iran gọi, Mỹ chần chừ”. Song, theo giới quan sát, sự chần chừ của Mỹ là có thể hiểu được. Nếu trở lại JCPOA mà không có được bất kỳ nhượng bộ nào từ Iran, ông Joe Biden sẽ đối mặt với tổn thất chính trị khi vừa lên nắm quyền. Tại Quốc hội, phe Cộng hòa cùng với một số nghị sĩ Dân chủ đã gây sức ép, buộc tân Tổng thống Mỹ theo đuổi phần lớn chiến dịch mà ông Trump phát động chống Iran.
Trong khi đó, với những gì mà người tiền nhiệm của ông Joe Biden đã làm khi thẳng tay “xé bỏ” thỏa thuận hạt nhân lịch sử, Iran khó có thể tin tưởng Mỹ nếu chính quyền mới không có bất kỳ một bước đi nào để tạo dựng lòng tin.
Với bối cảnh hiện tại, các chuyên gia cho rằng xuống thang tiệm tiến sẽ là giải pháp phù hợp. Ông Biden có thể ra sắc lệnh phủ nhận quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của người tiền nhiệm, còn giới lãnh đạo Iran cũng ban hành một nghị quyết tương tự, tuyên bố ý định quay trở lại tuân thủ cam kết. Từ đây, hai nước có thể tạo dựng một lộ trình cụ thể và đồng thời nhằm khôi phục toàn diện JCPOA.