Iran - Nga cùng sản xuất vắcxin phòng COVID-19
Vắcxin ngừa bệnh COVID-19 của Nga do Viện khoa học nghiên cứu về dịch tễ học và vi trùng học Gamaleya phát triển, tại Moscow. Ảnh: AFP/TTXVN
Iran và Nga sẽ hợp tác để sản xuất vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ngày 5/9, hãng thông tấn FARS của Iran cho biết thông báo về sự hợp tác này được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến giữa Đại sứ Iran tại Nga Kazem Jalali và Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga Krill Dmitriev - đơn vị đầu tư phát triển vắcxin của Nga.
Tại cuộc họp, Đại sứ Jalali đã kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn nữa về y tế giữa hai nước. Về phần mình, Giám đốc Dmitriev bày tỏ hài lòng về sự sẵn sàng của hai nước đối với việc sản xuất vắcxin phòng COVID-19 với khối lượng lớn.
Tháng 8, Nga tuyên bố phát triển thành công vắcxin phòng COVID-19 có tên là Sputnik V. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học phương Tây cho đến nay vẫn hoài nghi về tính an toàn và hiệu quả của vắcxin, cho rằng cần thời gian dài để đánh giá hiệu quả và mức độ an toàn.
Các nhà khoa học Nga vừa qua đã công bố báo cáo kết quả hai cuộc thử nghiệm ở quy mô nhỏ với 76 người trong độ tuổi từ 18 đến 60 và có sức khỏe bình thường. Theo đó, những bệnh nhân tham gia giai đoạn đầu thử nghiệm vắc xin Sputnik V đã phát triển kháng thể mà không gặp bất cứ phản ứng nghiêm trọng nào.
Trong khi đó, Phó Thị trưởng Moscow, bà Anastasia Rakova vừa cho biết một số phòng khám ngoại trú ở thủ đô Moscow, Nga, đã nhận được lô vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên.
Phát biểu với báo giới, bà Rakova cho biết ba phòng khám ngoại trú số 2, 62 và 220 đã nhận được vắcxin sau khi đăng ký và được Bộ Y tế Nga cấp phép. Hiện các cơ sở này đều đã sẵn sàng cho việc triển khai chương trình thử nghiệm, dự kiến bắt đầu từ tuần tới.
Cũng theo bà Rakova, người dân Moscow có thể đăng ký tham gia chương trình thử nghiệm trên và trở thành những người đầu tiên được tiêm vắcxin ngừa COVID-19. Những người tham gia sẽ được theo dõi y tế liên tục trong sáu tháng, bao gồm cả việc sử dụng các công nghệ y tế từ xa.
Nga thông báo sẽ tiến hành tiêm phòng thử nghiệm vắcxin Sputnik V cho khoảng 40.000 người. Đây là vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới được cấp phép.
Trong khi đó, Viện Công nghệ của bang Paran thuộc Brazil, được biết đến với tên gọi Tecpar - cơ quan đã ký thỏa thuận sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga, ngày 4/9 tuyên bố kế hoạch tiến hành thử nghiệm giai đoạn ba đối với 10.000 tình nguyện viên ở quốc gia Nam Mỹ này kể từ đầu năm 2021.
Ông Jorge Callado - người đứng đầu Tecpar, cho hay yêu cầu cho phép thử nghiệm sẽ được cơ quan này trên đệ trình lên cơ quan quản lý y tế ANVISA của Brazil vào cuối tháng này.
Các liều vắcxin sẽ được nhập khẩu dành cho chương trình thử nghiệm, và Tecpar dự kiến sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 cho thị trường Brazil vào nửa cuối năm 2021.
Các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới đang chạy đua để phát triển một loại vắcxin phòng COVID-19, hiện làm hơn 26 triệu người nhiễm bệnh và khiến hơn 876.000 người tử vong trên toàn cầu.
Trước đó, WHO cho biết có ít nhất 6-9 loại vắcxin đã đạt đến giai đoạn ba của quá trình thử nghiệm. Loại vắcxin của Oxford đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Các chính phủ có thể đặt trước vắcxin sớm thông qua COVAX, ông Hứa cho biết thời hạn đặt hàng là vào cuối tháng 8.