Iran ấn định thời gian trở lại bàn đàm phán hạt nhân

Trước cuộc không chiến 12 ngày với Israel, Iran và Mỹ đã tổ chức 5 vòng đàm phán hạt nhân do Oman làm trung gian, nhưng gặp phải những trở ngại lớn.

Iran cùng với bộ 3 quốc gia hàng đầu châu Âu (E3) là Vương quốc Anh, Pháp và Đức sẽ tổ chức các cuộc đàm phán hạt nhân tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Sáu (ngày 25/7), phía Iran xác nhận.

"Cuộc gặp giữa Iran, Anh, Pháp và Đức sẽ diễn ra ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei cho biết vào đầu ngày 21/7

Điều này diễn ra sau khi 3 nước châu Âu cảnh báo rằng việc không nối lại đàm phán sẽ dẫn đến việc áp đặt lại các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran.

Cuộc đàm phán được lên lịch vào ngày 25/7 diễn ra sau khi Ngoại trưởng của 3 quốc gia E3 cũng như người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), tuần trước đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi kể từ khi Israel và Mỹ tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran một tháng trước.

Ba nước châu Âu, cùng với Trung Quốc và Nga, là các bên còn lại của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đạt được với Iran – mà Mỹ đã rút khỏi vào năm 2018 – theo đó dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran để đổi lấy các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của quốc gia Trung Đông.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian (thứ hai từ phải sang) tham quan triển lãm về thành tựu hạt nhân của Iran. Ảnh: CFR

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian (thứ hai từ phải sang) tham quan triển lãm về thành tựu hạt nhân của Iran. Ảnh: CFR

E3 cho biết họ sẽ kích hoạt "cơ chế snapback" – cơ chế đảo ngược cho phép tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran – vào cuối tháng 8, nếu các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra giữa Iran và Mỹ trước khi cuộc không chiến 12 ngày giữa Israel và Iran nổ ra không được nối lại hoặc không đạt được kết quả cụ thể.

"Nếu EU/E3 muốn có một vai trò, họ nên hành động có trách nhiệm và gạt sang một bên các chính sách đe dọa và gây áp lực đã lỗi thời, bao gồm cả cơ chế snapback mà họ hoàn toàn không có cơ sở đạo đức và pháp lý nào", ông Araqchi phát biểu hồi đầu tuần trước.

"Cơ chế snapback" có thể được sử dụng để khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc trước khi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) bảo vệ thỏa thuận hết hiệu lực vào ngày 18/10.

Trước cuộc không chiến 12 ngày với Israel, Tehran và Washington đã tổ chức 5 vòng đàm phán hạt nhân do Oman làm trung gian, nhưng gặp phải những trở ngại lớn như việc làm giàu uranium ở Iran, mà các cường quốc phương Tây muốn giảm xuống mức 0 để giảm thiểu mọi nguy cơ vũ khí hóa.

Tehran vẫn khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích dân sự.

Vấn đề hạt nhân Iran

5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (P5) và Đức (tức P5+1) đã ký một thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm 2015 để giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Ông Donald Trump – trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình – đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận vào năm 2018.

Sau đó, kể từ tháng 4/2021, các nước Nga, Anh, Đức, Trung Quốc, Mỹ và Pháp đã đàm phán với Iran tại Vienna, nhằm khôi phục Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) năm 2015 theo hình thức ban đầu, nhưng chưa đạt được bất kỳ kết quả cụ thể nào.

Để đáp trả việc Washington rút khỏi JCPOA, vào năm 2020, Quốc hội Iran đã thông qua một đạo luật vạch ra kế hoạch chiến lược nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và bảo vệ lợi ích của người dân Iran.

Trong khuôn khổ kế hoạch này, Iran đã giảm bớt một số nghĩa vụ theo thỏa thuận hạt nhân, đặc biệt bằng cách đình chỉ các cuộc thanh sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngoài phạm vi thỏa thuận bảo vệ liên quan đến Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) và cấm sử dụng các biện pháp giám sát nghiêm ngặt.

Trước đó, Iran đã tuyên bố sẽ rút khỏi NPT nếu "cơ chế snapback" – vốn đã bị đình chỉ theo JCPOA – được kích hoạt trở lại và cho phép khôi phục tất cả các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Tehran.

Minh Đức (Theo Reuters, TASS)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/iran-an-dinh-thoi-gian-tro-lai-ban-dam-phan-hat-nhan-204250721174019971.htm