Iran tái định hình chiến lược đàm phán hạt nhân qua lăng kính Ukraine

Bài học cảnh báo từ Ukraine đang ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược đàm phán hạt nhân của Iran, đồng thời củng cố quyết tâm của nước này trong việc duy trì một lập trường cứng rắn hơn trong các cuộc thương lượng khi nối lại vòng đàm phán với Mỹ.

Mỹ và Iran đang nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng. Các cuộc gặp gián tiếp gần đây diễn ra tại Muscat, Oman, với sự trung gian của phía Oman, được xem là nỗ lực nhằm khơi thông lại đối thoại sau nhiều năm đình trệ.

Địa điểm này không chỉ thuận lợi về mặt hậu cần mà còn phản ánh sự lựa chọn có tính toán của Iran nhằm đảm bảo tính trung lập và quốc tế hóa các cam kết nếu đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Iran đối với vòng đàm phán lần này chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những bài học mà nước này rút ra từ kinh nghiệm của Ukraine trong quan hệ với phương Tây.

Ông Steve Witkoff (bên trái) đặc phái viên của Tổng thống Trump và Ông Abbas Araghchi (bên phải) Bộ trưởng ngoại giao Iran. Ảnh: The New York Times

Ông Steve Witkoff (bên trái) đặc phái viên của Tổng thống Trump và Ông Abbas Araghchi (bên phải) Bộ trưởng ngoại giao Iran. Ảnh: The New York Times

Từ Budapest đến JCPOA: Khủng hoảng lòng tin quốc tế

Tình huống Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân năm 1994 thông qua Biên bản Ghi nhớ Budapest, đổi lấy những đảm bảo an ninh từ Mỹ, Vương quốc Anh và Nga, nhưng sau đó vẫn bị xâm phạm chủ quyền bởi cuộc sáp nhập Crimea năm 2014 và chiến tranh toàn diện năm 2022, đã khiến Iran nhìn nhận lại ý nghĩa của các cam kết quốc tế.

Từ góc độ của giới hoạch định chiến lược Iran, trường hợp Ukraine là minh chứng rõ rệt cho những rủi ro tiềm tàng khi một quốc gia từ bỏ năng lực răn đe mà không có cơ chế bảo vệ đủ mạnh từ bên ngoài.

Họ lập luận rằng, trong bối cảnh trật tự quốc tế đang dịch chuyển và các cam kết song phương trở nên khó dự đoán, việc duy trì một hệ thống quốc phòng độc lập bao gồm các hệ thống tên lửa, UAV và các chương trình hạt nhân dân sự là cần thiết để đảm bảo an ninh dài hạn.

Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) được ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Anh và Mỹ) là thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt từng mang đến hy vọng kiềm chế chương trình hạt nhân Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ trừng phạt kinh tế.

Tuy nhiên, quyết định đơn phương rút khỏi thỏa thuận của Mỹ vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump, cùng việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt, đã gây ra một khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng đối với Tehran. Sự kiện này không chỉ dẫn đến việc Iran từng bước giảm tuân thủ JCPOA, mà còn trở thành bằng chứng quan trọng để Iran viện dẫn trong các lập luận phản bác niềm tin vào các cam kết của phương Tây.

Ngoại giao gián tiếp và lựa chọn chiến lược của Iran

Việc lựa chọn hình thức đàm phán gián tiếp thông qua trung gian thứ ba như Oman không chỉ giúp Iran giảm thiểu rủi ro về chính trị trong nước mà còn cho phép xây dựng các thỏa thuận có phạm vi ảnh hưởng quốc tế rộng hơn.

Điều này phản ánh nỗ lực của Iran nhằm tránh những sai lầm của Ukraine khi phụ thuộc vào các đảm bảo song phương không có khả năng răn đe thực tế. Iran tin rằng các bên thứ ba trung lập có thể đóng vai trò đảm bảo trách nhiệm và nâng cao khả năng thực hiện các cam kết.

Trong bối cảnh nội bộ chính trị Iran đang có xu hướng cứng rắn, các cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ có thể bị xem là nhượng bộ, gây phản ứng mạnh từ các lực lượng bảo thủ. Các cuộc gặp thông qua trung gian cho phép Iran theo đuổi ngoại giao mà vẫn giữ được thể diện chính trị trong nước.

Bài học từ Ukraine không chỉ ảnh hưởng đến Iran, mà còn gợi mở những suy ngẫm ngược chiều cho chính Kiev. Việc quá phụ thuộc vào một liên minh đơn lẻ khiến Ukraine dễ tổn thương trước các biến động chính trị của đối tác.

Trong khi đó, Iran đang duy trì chính sách đối ngoại theo hướng đa cực, tăng cường quan hệ với các cường quốc ngoài phương Tây như Nga, Trung Quốc, và các quốc gia thuộc khu vực “Nam bán cầu” như Ấn Độ. Cách tiếp cận này được kỳ vọng sẽ gia tăng tính linh hoạt và khả năng chống chịu trước các cú sốc địa chính trị.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian (phải) tại Moscow, Nga. Ảnh: The Kyiv Independent

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian (phải) tại Moscow, Nga. Ảnh: The Kyiv Independent

Triển vọng và những thách thức phía trước

Trong khi tiến hành đàm phán, Iran vẫn tiếp tục phát triển công nghệ tên lửa và máy bay không người lái, một phần trong số đó được cho là đã được sử dụng trong chiến sự tại Ukraine.

Đối với Tehran, đây không chỉ là biểu tượng của sức mạnh quốc gia mà còn là yếu tố răn đe chiến lược nhằm duy trì cán cân trong khu vực. Các quan chức quân sự Iran cho rằng, chỉ dựa vào lực lượng vũ trang truyền thống là chưa đủ để đối đầu với những đối thủ có ưu thế công nghệ vượt trội.

Thái độ thận trọng của Iran trong đàm phán hạt nhân phản ánh nỗi lo sâu xa về những mối đe dọa tiềm tàng trong tương lai. Tehran lo ngại rằng sự thay đổi trong cán cân quyền lực toàn cầu trong 10–20 năm tới có thể khiến họ trở nên dễ bị tổn thương nếu buộc phải từ bỏ các năng lực phòng thủ hiện tại. Do đó, Iran kiên quyết yêu cầu các thỏa thuận sắp tới phải bao gồm các điều khoản thực thi mạnh mẽ và cơ chế giám sát chặt chẽ để tránh “kịch bản Ukraine” lặp lại.

Khi vòng đàm phán hạt nhận tiếp theo sắp diễn ra, cả Washington và Tehran đều đối mặt với những rào cản lớn. Mỹ mong muốn ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, trong khi Iran yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và công nhận quyền phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Khoảng cách giữa hai bên vẫn còn sâu sắc, bất chấp việc kênh đàm phán tại Muscat đã mở lại cánh cửa đối thoại.

Trong bức tranh địa chính trị phức tạp hiện nay, những trải nghiệm của Iran và Ukraine đều cho thấy sự mong manh giữa ngoại giao, răn đe và lợi ích quốc gia. Lịch sử đã chứng minh rằng, mọi sai lầm trong tính toán đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Giang Bùi/VOV.VN (biên dịch) Theo: The Kyiv Independent

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/iran-tai-dinh-hinh-chien-luoc-dam-phan-hat-nhan-qua-lang-kinh-ukraine-post1192815.vov