Thương chiến leo thang: Chính quyền Donald Trump đánh phí tàu Trung Quốc cập cảng Mỹ
Chính quyền Donald Trump vừa ra quyết định áp các mức phí 'chấn động' với tàu thuyền do Trung Quốc sản xuất, kèm theo đó là tuyên bố chủ động bảo vệ chuỗi cung ứng địa phương và ứng phó với sự thống trị của Trung Quốc trong ngành đóng tàu…

Chính quyền Tổng thống Donald Trump mới đây đã công bố một bảng phí áp dụng riêng cho các tàu thuyền do Trung Quốc sản xuất, sau khi cuộc điều tra của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), được khởi xướng từ thời chính quyền Biden và tiếp tục dưới thời Trump, kết luận rằng các hành vi, chính sách và thực tiễn của Trung Quốc là không hợp lý, đồng thời tạo gánh nặng hoặc hạn chế hoạt động thương mại của Mỹ.
“Tàu thuyền và vận tải biển đóng vai trò sống còn đối với an ninh kinh tế của nước Mỹ và sự lưu thông hàng hóa tự do. Hành động lần này của chính quyền sẽ bắt đầu giải quyết các mối đe dọa đối với chuỗi cung ứng Mỹ và tạo động lực cho việc phát triển tàu do Mỹ sản xuất”, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer phát biểu.
USTR cho biết ngành đóng tàu của Trung Quốc đang hưởng lợi thế cạnh tranh không công bằng, khiến doanh nghiệp, người lao động và nền kinh tế Mỹ chịu thiệt thòi nghiêm trọng. Do đó, mức phí mới sẽ được tính theo từng chuyến tàu, thay vì tính theo số cảng mà tàu ghé qua như đề xuất ban đầu.

Tổng sản lượng hàng năm của các xưởng đóng tàu (Trung Quốc - Phần còn lại của thế giới) trong khoảng thời gian từ 1970 - 2025
Trước đó, đề xuất ban đầu đưa ra mức phí dịch vụ lên đến 1 triệu USD đối với mỗi nhà khai thác tàu thuộc sở hữu Trung Quốc (chẳng hạn như Cosco). Đối với các hãng vận tải không thuộc sở hữu Trung Quốc nhưng có tàu sản xuất ở Trung Quốc, mức phí có thể lên đến 1,5 triệu USD cho mỗi lần cập cảng tại Mỹ.
Nhưng USTR thừa nhận những điều chỉnh mới được đưa ra sau khi họ tổ chức các phiên điều trần kéo dài hai ngày hồi tháng 3/2025, với hơn 300 hiệp hội thương mại và các bên liên quan tham gia phát biểu. Nhiều ý kiến cảnh báo rằng các hãng vận tải biển sử dụng tàu Trung Quốc sẽ bị đẩy vào thế khó.
Phí dịch vụ đối với các nhà khai thác và chủ tàu Trung Quốc:
Từ ngày 14/10/2025: phí 50 USD mỗi tấn.
Từ ngày 17/4/2026: phí 80 USD mỗi tấn.
Từ ngày 17/4/2027: phí 110 USD mỗi tấn.
Từ ngày 17/4/2028: phí 140 USD mỗi tấn.
Phí dịch vụ đối với các hãng vận tải có tàu do Trung Quốc đóng (nhưng không thuộc sở hữu Trung Quốc):
Từ ngày 14/10/2025: phí 18 USD mỗi tấn (tương đương 120 USD/container).
Từ ngày 17/4/2026: phí 23 USD mỗi tấn (153 USD/container).
Từ ngày 17/4/2027: phí 28 USD mỗi tấn (195 USD/container).
Từ ngày 17/4/2028: phí 33 USD mỗi tấn (250 USD/container).
Nếu các hãng vận tải biển chứng minh được rằng đã đặt mua tàu do Mỹ đóng, họ có thể được hoãn áp phí hoặc hạn chế phí đối với tàu không do Mỹ đóng trong thời gian tối đa ba năm. “Nếu chủ tàu không nhận bàn giao tàu do Mỹ đóng trong vòng ba năm, các khoản phí sẽ được thu ngay lập tức”, báo cáo nêu rõ.
Trong 180 ngày đầu tiên, mức phí sẽ được ấn định ở 0 và chia theo từng hạng mục. Tất cả phí đều tính dựa trên tải trọng tịnh của tàu. Các tàu chở container có thể dao động từ 50.000 đến 220.000 tấn. Mỗi tàu sẽ bị tính phí tối đa 5 lần mỗi năm.
Khoản phí áp dụng cho các tàu chở ô tô do nước ngoài đóng cũng sẽ tính dựa trên sức chứa. Phí khởi điểm sẽ là 150 USD cho mỗi “Đơn vị Tương đương Xe hơi” (CEU) sau 180 ngày. Giai đoạn thứ hai của chính sách sẽ bắt đầu sau ba năm và tập trung vào các tàu vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). USTR sẽ hạn chế dần việc vận chuyển LNG bằng tàu nước ngoài, với lộ trình tăng cường dần trong 22 năm.
Các mặt hàng xuất khẩu số lượng lớn như than đá hoặc ngũ cốc, cũng như các tàu rỗng cập cảng Mỹ, sẽ được miễn phí.
Phản ứng lại với động thái này từ Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi Mỹ dừng việc đổ lỗi và nhanh chóng sửa chữa hành vi sai lầm này, theo một bản tin của Reuters. “Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến từ phía Mỹ và sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình”, tuyên bố viết.
Hội đồng Vận tải Biển Thế giới (WSC) cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về mức phí cảng mới và gọi đây là bước đi sai hướng. “WSC kêu gọi chính quyền xem xét lại biện pháp này vì nó có thể gây hại cho người tiêu dùng, nhà sản xuất và nông dân Mỹ mà không mang lại tiến triển thực tế nào trong việc phục hồi ngành hàng hải Mỹ,” tuyên bố cho biết.