Iran thử nghiệm máy bay chiến đấu tàng hình không người lái Qaher-313

Iran mới đây đã công bố bắt đầu giai đoạn thử nghiệm bay đối với phiên bản không người lái của máy bay chiến đấu tàng hình Qaher-313.

Thông tin này được chia sẻ trong Triển lãm Hàng không Quốc tế Kish, thu hút nhiều sự chú ý về tiềm năng của dự án, đã xuất hiện từ năm 2013.

Máy bay chiến đấu tàng hình không người lái Qaher-313. (Nguồn: Mạng xã hội X)

Máy bay chiến đấu tàng hình không người lái Qaher-313. (Nguồn: Mạng xã hội X)

Từ khi ra mắt, Qaher-313 đã trở thành chủ đề gây tranh cãi trong giới quân sự quốc tế. Máy bay được Iran quảng bá như là một cỗ máy chiến đấu tàng hình độc đáo, với các tính năng như tránh radar, bay ở độ cao thấp và thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến thuật.

Thiết kế của Qaher-313 có nhiều điểm tương đồng với các máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại như F-22 và F-35 của Mỹ, với các góc cạnh sắc nhọn để tối ưu hóa tín hiệu radar. Tuy nhiên, giới chuyên gia hàng không đã chỉ ra những hạn chế nghiêm trọng trong thiết kế và khả năng thực chiến của máy bay này.

Một trong những vấn đề đáng chú ý nhất với Qaher-313 là tính khí động học của nó. Các góc nhọn trong thiết kế tàng hình tuy giúp giảm tín hiệu radar nhưng lại tăng lực cản khí động học, gây giảm tính cơ động, đặc biệt ở tốc độ cao.

Việc thiếu bộ ổn định thẳng đứng và cánh đuôi truyền thống độc lập, yếu tố để đảm bảo độ ổn định trong các chuyển động tốc độ cao, cũng là một hạn chế đáng kể. Trong các tình huống đòi hỏi thay đổi nhanh chóng đường bay, Qaher-313 có nguy cơ mất độ ổn định và khó điều khiển hiệu quả.

Hình dáng khí động học và cánh nhỏ hơn so với các máy bay chiến đấu hiện đại khác có thể hạn chế khả năng cơ động và lực nâng, đặc biệt trong các tình huống nguy hiểm như tránh tên lửa hay tác chiến không đối không.

Qaher-313 được cho là quá nhỏ để mang đủ nhiên liệu và vũ khí cần thiết cho các nhiệm vụ tầm xa. Ngoài ra, chưa có thông tin chi tiết về động cơ, hệ thống điện tử hàng không, hay vật liệu sử dụng trong quá trình chế tạo. Việc thiếu bằng chứng chuyển bay thử nghiệm đã tăng cường những hoài nghi về khả năng chiến đấu thực sự của nó.

Các chuyên gia cho rằng công nghệ tàng hình phụ thuộc vào vật liệu đặc biệt, điều mà Qaher-313 có thể chưa đạt được. Ngoài ra, vai trò thực sự của dự án này nhiều khả năng mang tính biểu tượng chính trị hơn là đề cao quân sự.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/iran-thu-nghiem-may-bay-chien-dau-tang-hinh-khong-nguoi-lai-qaher-313-169241219085624851.htm