Iran tiết lộ yêu cầu duy nhất có thể cứu vãn thỏa thuận hạt nhân

Yêu cầu chính của Iran trong các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân là có thể bán dầu ở mức tương tự như trước khi Washington rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) một năm trước.

Tàu chở dầu đi qua Eo biển Hormuz. Ảnh: Reuters

Tàu chở dầu đi qua Eo biển Hormuz. Ảnh: Reuters

Tuần trước, Iran thông báo sẽ vượt giới hạn thỏa thuận về urani làm giàu. Iran cũng đã ra tối hậu thư 60 ngày cho các nước còn lại tham gia JCPOA nới lỏng trừng phạt đối với Iran trong các lĩnh vực tài chính và dầu mỏ. Trong trường hợp không đạt được điều này, Iran sẽ nối lại hoạt động làm giàu urani và xây dựng lò phản ứng hạt nhân Arak.

Theo hãng tin Reuters, hôm 28/6, giới chức cấp cao Iran và các nhà đàm phán từ các bên còn lại trong thỏa thuận JCPOA đã có cuộc họp tại Vienna (Áo) với mục đích cứu vãn thỏa thuận. Tuy nhiên, theo tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi sau cuộc họp, các bên đã đạt được "bước tiến" trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận, song kết quả này vẫn chưa đủ đối với Tehran.

Trên thực tế, với tình hình các quốc gia châu Âu bị hạn chế về khả năng bảo vệ nền kinh tế Iran khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ, hiện vẫn chưa rõ họ có thể làm gì để hỗ trợ kinh tế như Tehran mong muốn.

“Yêu cầu của chúng tôi là gì? Yêu cầu của chúng tôi là có thể bán dầu và thu tiền về. Đây là lợi ích tối thiểu của chúng tôi từ thỏa thuận. Chúng tôi không yêu cầu châu Âu đầu tư vào Iran. Chúng tôi chỉ muốn bán được dầu mỏ”, một quan chức Iran giấu tên trả lời phỏng vấn.

Các quốc gia châu Âu và Iran đã thiết lập một cơ chế trao đổi hàng hóa được gọi là Instex. Tuy nhiên thực thể này vẫn chưa hoạt động và các nhà ngoại giao cho biết nó sẽ chỉ có thể xử lý khối lượng nhỏ cho một số mặt hàng như thuốc men hay thực phẩm, chứ không phải lượng dầu xuất khẩu lớn như Iran đang tìm kiếm.

“Các quan chức châu Âu nên mua dầu từ chúng tôi và đưa tiền cho chúng tôi”, vị quan chức nhấn mạnh, “Instex là một công ty tính toán lợi nhuận thực. Nhiệm vụ của công ty này là quản lý các khoản chi, khoản lợi nhuận giữa hai bên xuất và nhập khẩu. Mặt hàng xuất khẩu duy nhất của Iran sang châu Âu là dầu. Vì vậy, nếu châu Âu không mua dầu từ chúng tôi, thì cũng chẳng có tiền để mà tính toán giữa bên xuất khẩu và nhập khẩu”.

Cho đến khi nhu cầu được đáp ứng, Iran sẽ tiếp tục đi trên con đường hiện tại và vượt ngưỡng cho phép của thỏa thuận, bắt đầu với mức độ làm giàu urani.

Việc Iran không tuân theo các quy tắc trong thỏa thuận JCPOA có thể thúc đẩy các quốc gia châu Âu tái áp đặt các biện pháp trừng phạt. Và nếu điều đó xảy ra thỏa thuận “sẽ chết”, vị quan chức cảnh báo, “Tôi tin tưởng và tôi nghĩ rằng người châu Âu đủ khôn ngoan để không giết chết thỏa thuận.
Tuy nhiên, nếu châu Âu tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tuyên bố các lệnh trừng phạt, điều này sẽ khiến Iran từ bỏ chính sách cam kết hiện tại và rút khỏi Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) như Triều Tiên.

Cuộc họp giữa quan chức Iran với các nhà ngoại giao Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran bị đẩy lên đỉnh điểm sau vụ Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắn rơi máy bay do thám chiến lược không người lái của Mỹ trên vùng trời eo biển Hormuz ngày 20/6.

Tehran cáo buộc máy bay Mỹ vi phạm không phận, trong khi Washington khẳng định máy bay bị bắn rơi khi đang hoạt động trong không phận quốc tế. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/6 đã quyết định phát động một cuộc tấn công trả đũa quốc gia Hồi giáo này, song đã rút lại quyết định vào phút chót, qua đó tạm tháo ngòi nguy cơ chiến tranh Mỹ - Iran trong ngắn hạn.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/iran-tiet-lo-yeu-cau-duy-nhat-co-the-cuu-van-thoa-thuan-hat-nhan-20190629082454627.htm