Iran và IAEA thảo luận về cách triển khai thỏa thuận năm 2023
Trong các cuộc thảo luận với giới chức Iran, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi đã đề xuất chính quyền Tehran tập trung thực hiện các biện pháp cụ thể và thiết thực để tăng cường hợp tác với IAEA.
Ngày 7/5, các quan chức của Iran và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vẫn đang đàm phán về cách thực thi thỏa thuận đạt được năm ngoái nhằm tăng cường giám sát chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi tới Iran, ông Grossi đã thảo luận với quan chức cấp cao Iran, trong đó có Chủ tịch Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami.
Dù hai quan chức này đưa ra ít thông tin về nội dung thảo luận, song ông Grossi cho biết các nhóm kỹ thuật của hai bên đang bàn về thông tin cụ thể.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thành phố Isfahan, Tổng giám đốc IAEA Grossi và ông Eslami đều cho rằng chưa có thỏa thuận mới đạt được trong chuyến thăm lần này, nhưng tuyên bố chung hồi tháng 3/2023 là con đường hướng tới sự hợp tác giữa IAEA và Iran.
Thỏa thuận trên đạt được trong chuyến thăm của ông Grossi đến Iran, theo đó Iran cho phép IAEA thực hiện thêm các hoạt động giám sát và kiểm tra phù hợp.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc IAEA đánh giá tiến độ thực hiện thỏa thuận còn chậm.
Ông Grossi cho biết trong các cuộc thảo luận với giới chức Iran lần này, ông đã đề xuất chính quyền Tehran tập trung thực hiện các biện pháp cụ thể và thiết thực để tăng cường hợp tác với IAEA.
Người đứng đầu IAEA nhấn mạnh thỏa thuận đạt được hồi tháng 3/2023 vẫn có hiệu lực, nhưng cần được triển khai thực chất hơn.
Về phần mình, Chủ tịch AEOI M.Eslami đánh giá cuộc đối thoại giữa ông và Tổng giám đốc IAEA mang tính xây dựng và nhất trí cho rằng thỏa thuận hồi năm ngoái là cơ sở tốt để IAEA và Iran phối hợp với nhau.
Ông Eslami nhấn mạnh điều quan trọng là IAEA cần thực hiện những hành động cần thiết để giải quyết những vấn đề chủ yếu liên quan đến chính trị.
Tổng giám đốc IAEA ngày 6/5 đã đến Iran để tham dự hội nghị quốc tế đầu tiên về năng lượng hạt nhân, được tổ chức tại Isfahan từ ngày 6-8/5, và gặp các quan chức Iran để thảo luận các vấn đề hạt nhân.
Năm 2015, Iran ký thỏa thuận hạt nhân, có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) với Nhóm P5+1 (5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng với Đức), theo đó Iran hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc nới lỏng trừng phạt.
Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran, dẫn tới việc Tehran giảm tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận.
Tháng 2 vừa qua, Iran tuyên bố nước này đã bắt đầu xây dựng một lò nghiên cứu hạt nhân mới ở Isfahan.
Trước đó, Iran cũng thông báo đang xây dựng một khu tổ hợp nhà máy điện hạt nhân ở miền Nam nước này./.