Iran và Mỹ đứng trước nguy cơ leo thang căng thẳng mới

Quan hệ giữa Mỹ và Iran lại leo thang sau khi các hình ảnh vệ tinh cho thấy Tehran đã đưa mô hình tàu sân bay của Mỹ đến eo biển chiến lược Hormuz và sử dụng tàu này làm mục tiêu trong các cuộc tập trận ở vùng Vịnh-tuyến đường thủy có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc xuất khẩu dầu mỏ của thế giới.

Theo hãng tin Reuters (Anh), Công ty Công nghệ vũ trụ Maxar Technologies có trụ sở tại Mỹ mới đây đã chụp được bức ảnh cho thấy một chiếc tàu tấn công nhanh của Iran đang di chuyển về phía mô hình tàu sân bay của Mỹ ở eo biển Hormuz. Một hình ảnh khác còn chỉ rõ, các máy bay mô hình đáp trên boong tàu mô hình. “Chúng tôi không rõ Iran hy vọng điều gì khi chế tạo mô hình này cũng như giá trị chiến thuật có thể tích lũy bằng cách dùng mô hình này để tập bắn. Chúng tôi vẫn tự tin vào lực lượng hải quân của mình và khả năng phòng thủ trước bất kỳ mối đe dọa hàng hải nào”, Trung tá Rebecca Rebarich, phát ngôn viên Hạm đội 5 Hải quân Mỹ cho biết.

 Mô hình tàu sân bay Mỹ được Iran kéo ra biển hôm 25-7. Ảnh: Maxar

Mô hình tàu sân bay Mỹ được Iran kéo ra biển hôm 25-7. Ảnh: Maxar

Mô hình tàu sân bay của Mỹ đã từng được Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran và hải quân Iran sử dụng trước đó. Năm 2015, một mô hình tàu sân bay có bề ngoài giống với tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ cũng đã được Iran sử dụng làm mục tiêu trong cuộc tập trận xuồng tên lửa tốc độ cao.

Reuters nhấn mạnh, thời gian gần đây, Mỹ và Iran đổ lỗi cho nhau về cách hành động ở ngoài khơi vùng Vịnh. Giữa tháng 4 vừa qua, hải quân Mỹ cho rằng 11 tàu của hải quân Iran đã “lặp lại các hành động nguy hiểm và quấy rối khi tiếp cận tàu chiến Mỹ trong vùng biển quốc tế tại phía bắc vịnh Arab”. Về phần mình, hải quân Iran cáo buộc Mỹ tái diễn cách hành xử “không chuyên nghiệp” tại vùng Vịnh, đe dọa đến hòa bình khu vực và làm gia tăng các mối nguy hiểm mới. Hải quân Iran tuyên bố, Tehran sẽ phá hủy tàu chiến của Washington nếu an ninh ở vùng Vịnh của nước này bị đe dọa. Thậm chí, các quan chức nước này cũng đã nhiều lần đe dọa sẽ phong tỏa eo biển Hormuz nếu Iran không thể xuất khẩu dầu mỏ, hoặc các cơ sở hạt nhân của nước này bị tấn công.

Quan hệ giữa Washington và Tehran xấu đi nghiêm trọng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 5-2018 tuyên bố đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, Mỹ và Đức), đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt quốc gia Trung Đông này. Từ đó, Mỹ từng bước tái áp đặt và gia tăng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ nhằm gây áp lực buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán. Đáp lại, Iran đã tuyên bố giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng giới hạn làm giàu uranium vượt mức 3,67% và lượng uranium làm giàu thấp vượt ngưỡng 300kg.

Trong một phản ứng mới nhất, ngày 27-7, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi tuyên bố, Tehran sẽ tiếp tục thực hiện chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình theo đúng các quy định của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Thứ trưởng Araghchi cho biết, Iran tham gia Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và chương trình hạt nhân mà Tehran đang tiến hành phù hợp với các quy định của IAEA. Ông Araghchi nêu rõ: “Là một quốc gia có trách nhiệm, Iran đã bác bỏ tất cả những thông tin sai lệch và không minh bạch về chương trình hạt nhân của mình”. Ngoài ra, Thứ trưởng Ngoại giao Iran cũng lưu ý rằng bất cứ khi nào những lợi ích liên quan đến thỏa thuận hạt nhân, được gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), được bảo đảm, Iran sẽ sẵn sàng quay trở lại với tất cả các cam kết của mình đối với JCPOA.

Trước đó, giới chức Iran đã khẳng định, Tehran sẵn sàng “chấp nhận tái thực thi” những cam kết theo JCPOA nếu phía các đối tác châu Âu tuân thủ những cam kết của họ nhằm giúp nước Cộng hòa Hồi giáo đạt được những lợi ích về kinh tế theo thỏa thuận đã ký.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/iran-va-my-dung-truoc-nguy-co-leo-thang-cang-thang-moi-629308