Iran xác nhận quyết định hạt nhân quan trọng
Ngày 2/7, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã ký ban hành đạo luật đình chỉ mọi hợp tác giữa Tehran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Động thái này đánh dấu một bước ngoặt đáng lo ngại trong cuộc khủng hoảng hạt nhân kéo dài giữa Iran và phương Tây, đặc biệt là sau khi Quốc hội Iran nhất trí thông qua đạo luật vào đầu tuần này.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian phát biểu trong một cuộc họp tại Ilam, Iran, ngày 12/6 tháng 6 năm 2025. (Nguồn: WANA)
Trong khi IAEA xác nhận đã nắm được thông tin qua các kênh truyền thông, người phát ngôn của cơ quan này cho biết họ vẫn đang chờ thông báo chính thức từ phía chính phủ Iran.
Việc đình chỉ hợp tác với IAEA có thể là quân bài mặc cả của Iran trong các cuộc đàm phán quốc tế liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại lại không thuận lợi cho ngoại giao: Tehran đã bác bỏ lời mời nối lại đàm phán từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, khiến triển vọng đàm phán lún sâu vào bế tắc.
Bộ Ngoại giao Iran khẳng định rằng việc kỳ vọng sự trở lại hợp tác bình thường sau khi nước này liên tục hứng chịu các cuộc tấn công quân sự từ Mỹ và Israel là điều "phi thực tế".
Tehran cũng cảnh báo rằng IAEA không thể đảm bảo an toàn cho các thanh sát viên hạt nhân quốc tế trong hoàn cảnh hiện nay. Thực tế cho thấy, sau những đòn không kích được ông Trump mô tả là "phá hủy hoàn toàn" các cơ sở hạt nhân của Iran, các thanh tra quốc tế đến nay vẫn chưa được tiếp cận để đánh giá mức độ thiệt hại.
Giới chức Iran đã thừa nhận các đòn tấn công gây tổn thất nghiêm trọng tại ba cơ sở trọng yếu: Fordow, Natanz và Isfahan: những địa điểm đóng vai trò then chốt trong chương trình hạt nhân của nước này.
Căng thẳng leo thang sau khi hội đồng quản trị gồm 35 quốc gia thành viên IAEA thông qua một nghị quyết vào tháng 5, trong đó lên án Iran vì không tuân thủ các nghĩa vụ hạt nhân. Tehran đã chỉ trích nghị quyết này là hành động mang động cơ chính trị, tạo ra cái cớ cho Mỹ và Israel phát động tấn công quân sự.
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hành động quân sự nhắm vào cơ sở hạt nhân, cho rằng điều đó có thể gây ra hậu quả thảm khốc vượt ngoài tầm kiểm soát, đồng thời kêu gọi các bên trở lại bàn đàm phán.
Israel từ lâu đã cáo buộc Iran âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân, xem đây là mối đe dọa hiện hữu đối với sự tồn tại của Israel. Do đó, họ cho rằng việc tấn công các cơ sở hạt nhân Iran là hành động cần thiết để ngăn chặn thảm họa tiềm tàng. Mỹ cũng theo đuổi lập trường tương tự, sẵn sàng sử dụng vũ lực nhằm làm tê liệt chương trình hạt nhân của Tehran.
Về phần mình, Iran khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích dân sự và phát triển năng lượng, hoàn toàn không phục vụ cho việc chế tạo vũ khí. Nhiều chuyên gia nhận định rằng Iran hiện đã sở hữu đủ năng lực để sản xuất bom nguyên tử nếu họ quyết định theo đuổi con đường này.
Tổng thống Trump gần đây tiếp tục lên tiếng cảnh báo, tuyên bố rằng Mỹ sẽ không ngần ngại can thiệp quân sự một lần nữa nếu Iran tiếp tục làm giàu uranium và khôi phục các cơ sở hạt nhân bị phá hủy.