Buổi cầu nguyện cho các nạn nhân thảm kịch máy bay thương mại Ukraine tại Đại học Amir Kabir, Tehran hôm 11-1 đã biến thành cuộc biểu tình phản đối chính phủ.
"Tổng tư lệnh Ayatollah Ali Khamenei nên từ chức", "Xấu hổ vì Khamenei, hãy rời khỏi đất nước", "Cái chết cho những kẻ nói dối", "Xấu hổ vì Vệ binh Cách mạng, hãy rời đất nước", là những khẩu hiệu được người biểu tình hô lớn trong các video trên mạng xã hội.
"Nhiều người rất tức giận. Người Iran đang đòi công lý và trách nhiệm. Rất nhiều người, bao gồm gia đình các nạn nhân, đã bị sốc. Họ không hiểu tại sao chính phủ lại nói dối về điều này", Al Jazeera Dorsa Jabbari, một người tham gia biểu tình nói.
Iran sáng 11-1 thừa nhận đã vô tình bắn hạ chuyến bay mang số hiệu PS752 của hãng Hàng không Quốc tế Ukraine (UIA) hôm 8-1, khiến toàn bộ 176 người trên phi cơ thiệt mạng.
Quân đội Iran cho hay các binh sĩ đã nhầm máy bay là một "mục tiêu thù địch" do hình dạng, độ cao cũng như phi cơ đột ngột chuyển hướng về phía một căn cứ quân sự.
Trước đó, ngay khi sau vụ tai nạn diễn ra, hình ảnh mảnh văng tên lửa tại hiện trường đã khiến phương Tây nghi ngờ Iran đã vô tình bắn hạ chiếc phi cơ dân dụng này. Tuy nhiên ban đầu chính quyền Tehran một mực phủ nhận và cho rằng máy bay bị trục trặc động cơ nên rơi chứ không hề có cuộc bắn hạ nào.
Ngay cả Nga cũng lên tiếng phản đối cho rằng không có đủ căn cứ để cáo buộc Iran bắn hạ chiếc máy bay này.
Tuy nhiên trước những bằng chứng được đưa ra, Iran cuối cùng đã lên tiếng thừa nhận đã bắn nhầm vào chiếc máy bay xấu số này.
Tướng Amirali Hajizadeh, tư lệnh lực lượng không gian vũ trụ thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), xác nhận máy bay Ukraine bị bắn hạ bởi một tổ hợp phòng không tầm ngắn và sự việc xảy ra khi lực lượng vũ trang Iran đang chuẩn bị đối đầu một cuộc tấn công tiềm tàng từ Mỹ.
Nhiều người Iran đặt câu hỏi rằng, ai ra lệnh bắn hạ máy bay? Tại sao Iran không đóng cửa sân bay quốc tế hoặc không phận khi đang chuẩn bị chống đỡ cuộc trả thù tiềm năng từ Mỹ?
Mặt khác họ cũng cho rằng nếu phi cơ dân sự này bay từ bên ngoài vào Iran thì việc bắn nhầm là một nhẽ, đằng này chiếc máy bay lại cất cánh ngay tại thủ đô Tehran chỉ vài phút trước đó nên việc bắn nhầm là không thể chấp nhận.
Nhóm sinh viên biểu tình cũng yêu cầu những người chịu trách nhiệm bắn hạ máy bay và che giấu sự việc phải từ chức và bị truy tố. Hàng chục người thiệt mạng trong thảm họa là sinh viên Iran đang du học tại Canada.
Cảnh sát Iran sau đó giải tán nhóm sinh viên biểu tình. Một số báo cáo nói rằng biểu tình lan rộng ra ngoài Tehran, và một số người biểu tình đã xé ảnh tướng Iran Qassem Soleimani, người thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ ở Iraq hôm 3-1.
Tổng thống Trump yêu cầu Iran trấn áp mạnh tay với người biểu tình và cắt mạng Internet- hành động Tehran từng bị cáo buộc trong các cuộc biểu tình tháng 11-2019.
"Chính phủ Iran phải cho phép các nhóm nhân quyền tới giám sát và báo cáo sự thật về các cuộc biểu tình đang diễn ra của người dân Iran. Không thể có thêm một cuộc trấn áp mạnh tay với những người biểu tình ôn hòa hay cắt mạng Internet. Thế giới đang dõi theo", Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng Twitter hôm 11-1.
Người biểu tình hô khẩu hiệu yêu cầu lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei từ chức và Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) nên rời đất nước.
Người biểu tình cho biết nhiều người dân Iran, bao gồm gia đình các nạn nhân vụ rơi máy bay, rất sốc khi chính phủ ban đầu che giấu thông tin.
"Tôi đã sát cánh cùng các bạn kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống và chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh cùng bạn", ông Trump đăng thêm.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Iran đàn áp người biểu tình phản đối giá xăng tăng hồi tháng 11-2019, khiến hơn 300 người thiệt mạng. Truyền thông phương Tây cũng nói rằng mạng Internet bị cắt tại nhiều tỉnh của Iran trước lễ tưởng niệm được lên kế hoạch một tháng sau biểu tình. Chính quyền Iran không công bố số thương vong, nhưng nói rằng biểu tình nổ ra ở 29/31 tỉnh, và 50 căn cứ quân sự bị tấn công.
Việt Hùng (Tổng hợp)