Iraq sử dụng các dự án hợp tác dầu trong 'trò chơi đối trọng' cạnh tranh Mỹ-Trung

Trang tin Oilprice ngày 30/6/2021 có bài bình luận của tác giả Simon Watkins về việc Iraq sử dụng các dự án dầu trong 'trò chơi đối trọng' trong cạnh tranh Mỹ-Trung, nhằm tối đa hóa lợi ích của mình, với một số nội dung chính như sau:

Tại Thượng đỉnh G7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên G7 (Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Italia, Canada và Nhật Bản) trong sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn”, với các đề nghị đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển theo tiêu chuẩn “xanh, sạch”, được cho là nhằm đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc và nỗ lực đẩy lùi tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên thế giới. Từ khi tranh cử, Tổng thống Biden đã phát biểu coi Trung Quốc là “một đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng”. Điều này có ý nghĩa gì đối với những quốc gia ở Trung Đông, sát cánh với Washington trong cuộc tranh giành quyền lực với Trung Quốc tại khu vực? Điều đó có nghĩa là các nước sẽ có nhiều tiền hơn từ cả Washington và Bắc Kinh và không nước nào trong khu vực chơi tốt hơn Iraq trong trò chơi đối trọng giữa hai bên đối đầu.

Iraq hủy bỏ thỏa thuận dầu mỏ với Công ty Dầu khí Chấn Hoa, trông đợi các đề nghị mới từ chính quyền Biden

Đây là nguyên nhân tại sao trong một khoảng thời gian rất ngắn, Baghdad đã thông qua các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ từ Trung Quốc vào Iraq nhưng đồng thời hủy bỏ thỏa thuận dầu mỏ trị giá hàng tỷ USD gây tranh cãi mà họ đã ký với Công ty Dầu khí Chấn Hoa (Zhenhua Oil), Trung Quốc, ngày 02/01/2021.

Thỏa thuận ban đầu của Iraq với Công ty Dầu khí Chấn Hoa là Cơ quan Quốc gia Tiếp thị Dầu mỏ (SOMO) của Iraq sẽ bán 4 triệu thùng mỗi tháng, tức là 130.000 thùng/1 ngày, trong 5 năm cho Công ty Chấn Hoa, và SOMO sẽ nhận khoản thanh toán trả trước ban đầu là 2 tỷ USD, cho sản lượng dầu cung cấp trong 1 năm. Dầu được giao trên cơ sở không có điểm đến xác định, do đó Công ty Chấn Hoa có thể bán lại hàng hóa ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, cho bất kỳ khách hàng mà họ muốn.

Công nhân Iraq vận hành van đường ống tại giếng dầu Nihran Bin Omar, phía bắc Basra, Iraq. Ảnh: Iraqernegy

Công nhân Iraq vận hành van đường ống tại giếng dầu Nihran Bin Omar, phía bắc Basra, Iraq. Ảnh: Iraqernegy

Lý do thực sự của thỏa thuận bán dầu trước của Iraq với Công ty Dầu khí Chấn Hoa, là Iraq rất cần tiền. Từ lâu Iraq đã phải cố gắng xoay sở để “tồn tại” về mặt tài chính, chủ yếu là dựa vào hàng trăm tỷ đô la đến từ Mỹ kể từ năm 2003. Tuy nhiên, việc Baghdad thất bại trong áp dụng các biện pháp hiệu quả nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt và điện từ Iran đã khiến cho mối quan hệ của Iraq với Mỹ trở nên căng thẳng hơn từ cuối năm 2020. Mỹ đã gia hạn quyết định miễn trừ, cho phép Iraq được tiếp tục nhập khẩu khí đốt và điện từ Iran; nhưng đồng thời cũng tuyên bố việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới với 20 thực thể Iran và có trụ sở ở Iraq, bị coi là cung cấp tài chính cho lực lượng an ninh tinh nhuệ của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Ngày 22/2/2021 Iraq thông báo tạm hoãn thực hiện và ngày 23/6/2021 vừa qua, Iraq tuyên bố chấm dứt thỏa thuận dầu trả trước với công ty dầu Chấn Hoa, Trung Quốc với lý do giá dầu tăng cao và Iraq không thể duy trì thỏa thuận. Lý do chính thức của Iraq không thuyết phục được các nhà quan sát trong khu vực. Phát biểu với OilPrice.com, một nhân vật dầu khí cấp cao có quan hệ mật thiết với Bộ Dầu mỏ Iraq nhận xét rằng “có vẻ như Baghdad đang cố gắng xem có thể bắt đầu lại trò chơi đối trọng của mình với chính quyền mới của Mỹ (chính quyền Tổng thống Biden), bằng cách gửi tín hiệu rằng họ sẵn sàng đón nhận các lời đề nghị từ Washington khi tạm ngừng quan hệ với Bắc Kinh”.

Quan điểm này là có cơ sở vì không ai tin thỏa thuận của Iraq với Công ty dầu khí Chấn Hoa bị hủy bỏ vĩnh viễn; trên thực tế, thỏa thuận này có thể được nối lại vào bất cứ thời điểm nào. Tuần trước, Baghdad đã thông qua gần như đồng thời ba sáng kiến cơ sở hạ tầng mới khổng lồ với sự tham gia trực tiếp, mạnh mẽ của Trung Quốc tại khu vực trung tâm, có nhiều mỏ dầu của Iraq.

Một số dự án cơ sở hạ tầng lớn của Trung Quốc tại Iraq cuối tháng 6 vừa qua.

Đó là các dự án trị giá 700 triệu USD về cơ sở hạ tầng tại thành phố Al-Zubair, trung tâm dầu mỏ Basra, miền nam Iraq. Theo Thống đốc thành phố Al-Zubair Abbas Al-Saadi, giai đoạn 2 của dự án sẽ trao cho một công ty Trung Quốc. Sự tham gia của công ty Trung Quốc là một phần của việc triển khai Thỏa thuận đổi dầu để đầu tư và tái thiết, được Baghdad và Bắc Kinh ký tháng 9 năm 2019 cho phép các công ty Trung Quốc đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Iraq để đổi lấy dầu.

Dự án hợp tác giữa Tập đoàn Sinopec, Trung Quốc và Công ty dầu khí nhà nước Iraq Midland Oil Company tại mỏ khí đốt Mansuriya, Iraq. Ảnh: MEED.

Dự án hợp tác giữa Tập đoàn Sinopec, Trung Quốc và Công ty dầu khí nhà nước Iraq Midland Oil Company tại mỏ khí đốt Mansuriya, Iraq. Ảnh: MEED.

Một hợp đồng lớn nữa trao cho một công ty khác của Trung Quốc là dự án xây dựng sân bay dân dụng thay thế căn cứ quân sự ở Dhi Qar, một khu vực giàu dầu mỏ ở miền Nam. Dhi Qar có hai trong số các mỏ dầu tiềm năng lớn nhất của Iraq là Gharraf và Nassiriya, Trung Quốc sẽ hoàn thành sân bay vào năm 2024. Dự án này bao gồm việc xây dựng nhiều tòa nhà chứa hàng hóa, các con đường nối sân bay với trung tâm thành phố và con đường riêng tới các khu vực dầu mỏ quan trọng khác ở miền nam Iraq. Thỏa thuận này tiếp nối với một thỏa thuận khác cũng được các quan chức Iraq công bố vào tuần trước là việc các công ty Trung Quốc đã tiếp cận để xây dựng Thành phố Al-Sadr, nằm gần Baghdad, với chi phí từ 7-8 tỷ USD, cũng nằm trong khuôn khổ thỏa thuận “đổi dầu để đầu tư và tái thiết” năm 2019./.

Thanh Bình

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/iraq-su-dung-cac-du-an-hop-tac-dau-trong-tro-choi-doi-trong-canh-tranh-my-trung-616232.html