Iraq tiến tới thành lập Nội các mới: Con đường niều gian nan

Tiến trình thành lập Nội các mới ở Iraq trong thời gian tới sẽ rất căng thẳng, do những bất đồng sâu sắc trong xã hội quốc gia Trung Đông này.

Ngày 1/12, Quốc hội Iraq đã chấp thuận đơn từ chức của Chính phủ Iraq do Thủ tướng Adel Abdul Mahdi đứng đầu, vốn chỉ mới lãnh đạo đất nước Iraq trong hơn 1 năm qua. Dự kiến, tiến trình để tìm ra một Nội các chính phủ mới của Iraq trong thời gian tới sẽ rất căng thẳng, do những bất đồng sâu sắc đang tồn tại trong xã hội quốc gia Trung Đông này.

Thủ tướng Adel Abdul Mahdi. Ảnh: Times of Israel

Thủ tướng Adel Abdul Mahdi. Ảnh: Times of Israel

Quốc hội Iraq chiều 1/12 đã phải họp bất thường, để thảo luận về việc Thủ tướng Mahdi từ chức, cũng như các thách thức cần giải quyết ngay về một số điểm nóng biểu tình đang diễn ra tại nước này, như tỉnh Dhi Qar và Najaf ở phía Nam.

Tại phiên họp này, Thủ tướng Iraq Mahdi đã lên tiếng lý giải cho quyết định từ chức của ông cùng toàn bộ Nội các: “Chúng tôi từng đưa ra những quyết định dũng cảm và táo bạo vào thời điểm đó, để ngăn chặn việc sử dụng súng đạn chống người biểu tình, nhưng thật đáng tiếc, khi đụng độ xảy ra, nhiều can thiệp và biến chứng đã xảy ra. Điều này dẫn đến các hậu quả tiêu cực. Do đó, toàn bộ nội các chính phủ đã chấp nhận ra đi, để làm dịu tình hình”.

Ngay sau đó, Quốc hội Iraq tiến hành bỏ phiếu và đã chính thức thông qua việc từ chức này. Tuy nhiên, Nội các cũ của Irắc vẫn sẽ đảm đương mọi vị trí công việc của mình cho đến khi có 1 chính phủ mới được thành lập.

Theo Điều 76 của Hiến pháp Iraq, Tổng thống Barham Saleh tới đây sẽ chỉ định ra một Thủ tướng mới đứng ra thành lập chính phủ và các Đảng phái chiếm đa số ghế trong Quốc hội Irắc sẽ có trách nhiệm đề cử ra nhân vật này với Tổng thống. Khi người đứng ra thành lập chính phủ được chọn, người này sẽ có 30 ngày để hoàn thành nhiệm vụ Tổng thống Iraq giao và trình lên Quốc hội thông qua.

Tuy nhiên trên thực tế, việc tiến hành chọn ra 1 Thủ tướng mới của Iraq sẽ không hề dễ dàng và Nội các mới được người này thành lập để được Quốc hội thông qua và người dân chấp nhận hiện vẫn đang là 1 câu hỏi lớn. Bởi, người dân đang yêu cầu Chính phủ mới phải có một sự cải tổ toàn diện, một cuộc cải cách lớn, để cuộc sống và cơ hội việc làm của người dân tốt lên, công cuộc chống tham nhũng phải được đẩy mạnh hơn nữa.

Dù chính phủ đã từ chức, song nhiều ngày qua các cuộc biểu tình quy mô lớn vẫn tiếp diễn tại Iraq. Nhiều cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh Iraq vẫn xảy ra trong ngày hôm qua. Cụ thể, tại thủ đô Baghdad, các vụ đụng độ đã khiến ít nhất 1 người biểu tình thiệt mạng và 9 người khác bị thương. Trong khi đó, tại thành phố Najaf, lãnh sứ quán Iran ngày 1/12 lần thứ hai trong tuần bị người biểu tình Iraq đột nhập và tấn công.

Trước đó, vào ngày 27/11, Tòa nhà lãnh sứ quán Iran tại Iraq đã bị người biểu tình đốt phá. Tuy nhiên, rất may, trước đó lực lượng an ninh Iraq đã kịp thời sơ tán các nhân viên ra khỏi tòa nhà.

Kể từ đầu tháng 10, hàng chục nghìn người Iraq đã xuống đường tham gia các cuộc biểu tình tại thủ đô Baghdad và các tỉnh miền Nam đòi chính quyền tiến hành cải cách toàn diện, cải thiện các dịch vụ công, tạo thêm việc làm cho người dân và chấm dứt nạn tham nhũng. Đã có gần 420 người biểu tình thiệt mạng. Các cuộc biểu tình đặt ra thách thức lớn “chưa từng thấy” đối với chính phủ kể từ sau khi Iraq tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng cách đây gần hai năm./.

Đình Nam/VOV1
tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/iraq-tien-toi-thanh-lap-noi-cac-moi-con-duong-nieu-gian-nan-985249.vov