Ireland hình sự hóa hành vi lôi kéo trẻ em phạm tội

Ngày 24.5, Luật Tư pháp hình sự năm 2024 của Ireland chính thức có hiệu lực, trong đó quy định hành vi ép buộc hoặc lôi kéo trẻ em tham gia vào bất kỳ hoạt động phạm pháp nào sẽ bị coi là phạm tội. Sự kiện này đánh dấu bước tiến đáng kể trong nỗ lực chấm dứt tình trạng lợi dụng trẻ vị thành niên vì mục đích bất hợp pháp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ireland Helen McEntee. Nguồn: rte.ie

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ireland Helen McEntee. Nguồn: rte.ie

Người thúc đẩy sáng kiến lập pháp trên là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Helen McEntee, người luôn lên tiếng ủng hộ việc bảo vệ quyền trẻ em và xóa bỏ nạn bóc lột trong xã hội. Bà cho biết, luật mới sẽ trừng phạt những đối tượng lôi kéo, dụ dỗ trẻ vị thành niên phạm tội. Đó là hành động hủy hoại cuộc sống của trẻ em và cộng đồng. "Mặc dù hành vi phạm tội có thể bắt đầu từ những việc làm rất nhỏ, nhưng thường biến thành vấn đề nghiêm trọng hơn. Trẻ em khi đã vướng vào các hoạt động phi pháp, sẽ có thể đối mặt với sự đe dọa, nợ nần, cuộc sống không có lối thoát", bà nói. Bộ trưởng McEntee cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ của Ireland là phải nhanh chóng can thiệp, triệt phá vấn nạn trên trước khi nó gây tổn hại không thể phục hồi đối với cuộc sống của giới trẻ và làm suy yếu cơ cấu xã hội.

Theo luật mới, đối tượng vi phạm quy định trên sẽ bị phạt tù từ 12 tháng tới 5 năm tùy theo tính chất nghiêm trọng của vụ việc.

Việc ban hành Luật Tư pháp hình sự 2024 không chỉ nhằm trừng phạt những người thực hiện những hành vi tàn ác đối với trẻ vị thành niên, mà còn nhấn mạnh cam kết của Ireland trong nỗ lực hỗ trợ những trẻ em và gia đình bị ảnh hưởng. Theo bà McEntee, Chương trình Greentown đóng vai trò quan trọng trong cách tiếp cận toàn diện này, cung cấp các dịch vụ toàn diện chuyên sâu được thiết kế để giúp người trẻ tuổi có nguy cơ hoặc đã bị ảnh hưởng thoát khỏi mạng lưới tội phạm và tạo điều kiện cho các em hòa nhập, phát triển tích cực.

Ngọc Minh (Theo rte.ie)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/ireland-hinh-su-hoa-hanh-vi-loi-keo-tre-em-pham-toi-i372699/