Ireland phong tỏa toàn quốc, Pháp siết chặt biện pháp phòng dịch
Ireland khuyến cáo nâng các hạn chế lên mức cao nhất, theo đó mọi người được yêu cầu ở trong nhà, đóng cửa trường học và chỉ các doanh nghiệp bán lẻ được phép mở cửa.
Các lãnh đạo ngành y tế của Ireland ngày 4/10 khuyến nghị chính phủ nước này áp dụng phong tỏa toàn quốc lần thứ hai, kéo dài 4 tuần.
Đội Khẩn cấp y tế công quốc gia Ireland khuyến cáo nâng các hạn chế để phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên mức cao nhất là mức 5 tại 24 trong tổng số 25 hạt, và siết chặt các biện pháp ở mức 3 tại Dublin và Donegal.
Theo mức 5, mọi người được yêu cầu ở trong nhà, trừ các hoạt động thể thao trong vòng 5km và chỉ các doanh nghiệp bán lẻ được phép mở cửa. Khác với đợt phong tỏa lần thứ nhất, các trường học sẽ phải đóng cửa.
Dự kiến Nội các sẽ thảo luận đề xuất này trong ngày 5/10. Chính phủ Ireland thông qua hầu hết các khuyến nghị của lãnh đạo ngành y từ khi bùng phát dịch đến nay. Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết việc tái áp đặt phong tỏa sẽ tác động nghiêm trọng về kinh tế và xã hội.
Giống hầu hết các nước châu Âu khác, Ireland đã chứng kiến số ca mắc COVID-19 ga tăng từ cuối tháng 7, sau khi nước này nới lỏng các biện pháp phong tỏa được cho là nghiêm ngặt nhất châu lục.
Ngày 3/10, Ireland ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 4. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm trong 14 ngày liên tiếp tại Ireland ở mức 104,6 ca trên 100.000 dân, chỉ cao thứ 14 trong số 31 quốc gia châu Âu được Trung tâm Kiểm sát dịch bệnh châu Âu theo dõi.
Tại điểm nóng lây nhiễm nhiều nhất của châu Âu là Tây Ban Nha, tỷ lệ này cao gấp 3 lần. Nhưng Ireland có số giường bệnh tương đối thấp so với các nước châu Âu khác.
Tại Vương quốc Anh, một lệnh phong tỏa 3 cấp độ đang được lên kế hoạch áp dụng tại xứ England. Báo The Guardian cho biết lệnh phong tỏa mới sẽ cụ thể hóa các biện pháp nghiêm ngặt hơn, như đóng cửa các câu lạc bộ và cấm mọi tiếp xúc xã hội ngoài những người trong cùng gia đình.
Theo báo trên, kế hoạch dự thảo "Khung giãn cách xã hội đề xuất phòng COVID-19" nhằm đơn giản hóa các biện pháp hạn chế đang được áp dụng tại các địa phương. Một nguồn tin chính phủ cho biết các cấp độ trong hệ thống phong tỏa mới sẽ là "các tiêu chuẩn tối thiểu" và có tính đến đặc thù của từng địa phương. Tuy nhiên, các kế hoạch trên chưa được Nội các thống nhất.
Anh từng bước dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc trong suốt mùa Hè vừa qua, song nhiều khu vực, trong đó có các thành phố lớn như Manchester và Glasgow hiện đang áp dụng các biện pháp hạn chế.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cảnh báo nếu tiếp tục phong tỏa sẽ làm tê liệt nền kinh tế và xã hội. Trả lời phỏng vấn tờ The Sun, Bộ trưởng Sunak cho biết: "Một nền kinh tế khó khăn sẽ tác động đến cả khả năng cung cấp dịch vụ công như an sinh xã hội, và ảnh hưởng tới kết quả chăm sóc y tế lâu dài của các cá nhân."
Ông Sunak bày tỏ không đồng tình với lệnh giới nghiêm từ 22h00 đối với nhà hàng và hộp đêm. Ông cũng cho biết thêm rằng các bộ trưởng đang chia rẽ về việc này, nhưng kêu gọi người dân Anh tuân thủ các quy định.
Tại Pháp, các nhà hàng ở thủ đô Paris sẽ được phép mở cửa, song kèm theo các hạn chế nghiêm ngặt, trong khi thành phố này vẫn được đặt trong tình trạng cảnh báo cao nhất do số ca nhiễm ở mức đáng báo động.
Theo các biện pháp mới, các quán rượu và quán cafe phải đóng cửa trong ít nhất 15 ngày. Thị trưởng Anne Hidalgo và Cảnh sát trưởng thành phố Didier Lallement sẽ thông báo các biện pháp này trong ngày 5/10.
Pháp ghi nhận gần 17.000 ca nhiễm mới riêng trong ngày 3/10, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu mở rộng xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Tỷ lệ nhiễm tại Paris hiện là 250 ca trên 100.000 dân. Bệnh nhân COVID-19 chiếm hơn 30% số giường bệnh trong khu điều trị tích cực ở Paris.
Chính phủ Pháp cho biết sẽ cân nhắc kỹ lưỡng nhằm tránh phải áp đặt tình trạng khẩn cấp như trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 5./.