IRGC cấm các thiết bị liên lạc sau vụ nổ máy nhắn tin Hezbollah
Lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ của Iran (IRGC) đã cấm sử dụng máy nhắn tin và các thiết bị liên lạc khác sau các cuộc tấn công chết người vào tuần trước nhắm vào đồng minh Hezbollah ở Lebanon, đồng thời tiến hành một chiến dịch kiểm tra quy mô lớn.
IRGC đã ra lệnh cho tất cả các thành viên ngừng sử dụng bất kỳ loại thiết bị liên lạc nào sau khi hàng ngàn máy nhắn tin và bộ đàm của đồng minh Hezbollah ở Lebanon nổ tung vào tuần trước.
Một quan chức an ninh cho biết, IRGC đang tiến hành một chiến dịch quy mô lớn để kiểm tra tất cả các thiết bị, không chỉ thiết bị liên lạc.
Iran lo ngại về sự xâm nhập của các đặc vụ Israel, bao gồm cả người Iran trong biên chế của Israel và một cuộc điều tra kỹ lưỡng về nhân sự cũng đã bắt đầu, nhắm vào các thành viên cấp trung và cấp cao của IRGC.
"Điều này bao gồm việc xem xét kỹ lưỡng các tài khoản ngân hàng của họ cả ở Iran và nước ngoài, cũng như lịch sử du lịch của họ và gia đình họ", quan chức này nói.
Trước đó ngày 17/9, máy nhắn tin đã đồng loạt phát nổ trên khắp các thành trì của Hezbollah. Một ngày sau đó, hàng trăm bộ đàm cũng phát nổ. Các cuộc tấn công đã giết chết 39 người và làm bị thương hơn 3.000 người.
IRGC là một lực lượng chính trị, quân sự và kinh tế hùng mạnh ở Iran có quan hệ chặt chẽ với Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Được thành lập sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, IRGC có lực lượng mặt đất, hải quân và không quân riêng giám sát vũ khí chiến lược của Iran.
Quân đội Iran sử dụng một loạt các thiết bị liên lạc được mã hóa, bao gồm cả bộ đàm, để liên lạc an toàn. Thiết bị liên lạc quân sự của Iran thường được phát triển trong nước hoặc có nguồn gốc từ sự kết hợp của các nhà cung cấp trong và ngoài nước.
Các lực lượng vũ trang Iran đã ngừng sử dụng máy nhắn tin trong hơn hai thập kỷ. Tehran đã phát triển truyền dẫn vô tuyến cấp quân sự của riêng mình thông qua ngành công nghiệp quốc phòng để tránh phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài, đặc biệt là do các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Tehran về chương trình hạt nhân của nước này.
Tuy nhiên, trong quá khứ, Iran đã nhập khẩu các thiết bị liên lạc từ các nước như Trung Quốc, Nga và thậm chí cả Nhật Bản.