IS lợi dụng Covid-19 để xâm nhập Đông Nam Á?
Trong khi các nước ở khu vực Đông Nam Á đang tập trung nguồn lực đối phó với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực và y tế do đại dịch Covid-19, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang tìm cách liên kết với các nhóm thánh chiến địa phương để tạo ra những bước tiến mới ở khu vực này...
Ông Karel Pelan, thuộc Interpol cho rằng, đại dịch Covid-19 sẽ không khiến các phần tử khủng bố cũng như các băng nhóm tội phạm có tổ chức dừng lại, mà vẫn tìm cách thực hiện các hành vi phạm tội theo phương thức mới. Theo ông, thực trạng này đòi hỏi các cơ quan thực thi pháp luật ở các nước phải tiếp tục đổi mới cách thức làm việc.
Theo tờ ASEAN Today, IS đang tiến hành đẩy mạnh hoạt động tuyển mộ tân binh tại các nước Đông Nam Á trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa được ngăn chặn. Trong đó, các nước Indonesia, Malaysia và Philippines là những địa bàn tuyển dụng mới nhất của IS. Kể từ đầu năm 2020, các cơ quan an ninh của Indonesia đã bắt giữ hơn 50 phần tử có liên hệ với IS. Phần lớn trong số này là thành viên của nhóm thánh chiến khét tiếng có liên hệ với IS là Jamaah Ansharut Daulah (JAD).
Nhằm ngăn chặn nguy cơ mất an ninh từ khủng bố IS ở khu vực, hồi tháng 3 năm nay, Interpol đã phối hợp với các nước Đông Nam Á gồm Brunei, Indonesia, Malaysia và Philippines thực hiện chiến dịch Maharlika III. Trong chiến dịch, cơ quan thực thi pháp luật các nước này đã bố trí lực lượng tại các điểm chiến lược dọc các tuyến đường trung chuyển của khủng bố tại khu vực Đông Nam Á nhằm tăng cường kiểm soát biên giới và phát hiện khủng bố.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy IS đang cố gắng tăng cường hoạt động trên toàn cầu, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Ông Christopher Miller, Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ cho biết, IS tiếp tục ưu tiên mở rộng và củng cố sự hiện diện trên toàn cầu của mình với khoảng 20 chi nhánh và mạng lưới hiện có.
Lợi dụng các nước đang tập trung lo ứng phó đại dịch, IS đã tranh thủ tận dụng các cơ sở hạ tầng thánh chiến hiện có ở khu vực để gây ảnh hưởng, cụ thể, IS dựa vào các mối liên hệ với các nhóm khủng bố địa phương. Tuy nhiên, phương thức này không mấy hiệu quả do các nhóm thánh chiến địa phương không chia sẻ hệ tư tưởng với IS và chỉ lợi dụng mối liên kết với IS để tăng cường hoạt động và ảnh hưởng của chính nhóm mình. Có khả năng các nhóm thánh chiến Hồi giáo có trụ sở tại Indonesia, Malaysia và Philippines coi chiến thuật tuyển mộ của IS là một cách hiệu quả nhằm nâng cấp và mở rộng sức thu hút của họ. Các nhóm thánh chiến địa phương còn sẵn sàng sử dụng cách thức gây tội ác tương tự IS như sử dụng các mạng lưới gia đình và các nữ khủng bố đánh bom liều chết để mở rộng mạng lưới và tầm ảnh hưởng của mình.
Ngoài ra, có những bằng chứng để tin rằng, IS đang cố gắng để tuyển mộ những phần tử khủng bố đơn lẻ vẫn được gọi là “những con sói đơn độc” và các phần tử cực đoan khác. Tại Malaysia, một tài xế công nghệ mới bị bắt giữ và kết án 3 năm tù do sở hữu các video và tài liệu tuyên truyền của IS. Vụ việc này chứng tỏ IS đang dựa vào các nền tảng công nghệ trên mạng và các phương tiện truyền thông xã hội để chiêu mộ tân binh do gặp khó khăn trong việc móc nối với các nhóm thánh chiến địa phương. Chuyên gia chống khủng bố tại Đại học Hồi giáo quốc tế Malaysia, ông Ahmed El Muhammady dự đoán “có thể các mối đe dọa khủng bố không gia tăng mà chỉ là các nỗ lực chiêu mộ thông qua tuyên truyền trên mạng xã hội trong bối cảnh phong tỏa do đại dịch Covid-19”. Chuyên gia này cho biết, hoạt động tuyển dụng quy mô nhỏ của IS tại Malaysia vẫn là vấn đề lớn đối với cảnh sát nước này.
Còn tại Philippines, IS đã sử dụng cả internet lẫn các mối liên hệ trực tiếp với các nhóm thánh chiến địa phương nhằm đẩy mạnh hoạt động. Hồi đầu năm nay, nước này đã bị tấn công bởi một nhóm khủng bố có liên hệ với IS khiến ít nhất 14 người thiệt mạng. Một báo cáo mới đây của Lầu Năm Góc cảnh báo nỗ lực hợp tác của Mỹ với Philippines nhằm đánh bật IS ra khỏi miền Nam nước này có vẻ không đạt được nhiều kết quả.
Tuy nhiên, cho đến nay, các nhận định cho rằng, IS xâm nhập Đông Nam Á bị đánh giá có thể là quá cường điệu và mối đe dọa này mới chỉ dừng ở mức nguy cơ. Giới phân tích đánh giá các nhóm thánh chiến ở khu vực Đông Nam Á chỉ coi sự liên kết với IS như một “cuộc hôn nhân vụ lợi”, giúp cả hai bên có thể đạt được nhiều thành quả hơn so với đi một mình.