Israel không phải là thành viên, ICC có thể truy tố ông Netanyahu như thế nào?

Quyền tài phán của tòa án tại The Hague có thể mở rộng ra ngoài các quốc gia thành viên.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant tại một sự kiện ở Mitzpe Ramon, Israel, ngày 31/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant tại một sự kiện ở Mitzpe Ramon, Israel, ngày 31/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 21/11 đã công bố lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu; cựu bộ trưởng quốc phòng Israel, Yoav Gallant; và thủ lĩnh của cánh quân sự Hamas, Mohammed Deif, người chưa rõ còn sống hay đã chết.

Các lệnh bắt giữ do ICC ban hành đối với các nhà lãnh đạo của Israel và Hamas, vì những tội ác mà tòa cáo buộc họ đã phạm phải ở Gaza, đã đặt ra nhiều câu hỏi về cả phạm vi quyền tài phán và giới hạn quyền hạn của tòa án.

Tại sao ICC tuyên bố có thẩm quyền trong vụ án này?

Hơn 120 quốc gia đã tham gia một hiệp ước quốc tế được gọi là Quy chế Rome, và là thành viên của Tòa án Hình sự quốc tế. ICC có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, được thành lập cách đây hơn hai thập kỷ, có nhiệm vụ truy tố các tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh, tội diệt chủng và tội xâm lược.

Tòa đã cáo buộc ông Netanyahu và ông Gallant sử dụng nạn đói làm vũ khí chiến tranh, cùng với các tội danh khác, trong cuộc xung đột với Hamas ở Gaza. ICC cũng cáo buộc Mohammad Deif, được cho là chủ mưu chính trong vụ tấn công ngày 7/10/2023 tại Israel, về các tội ác chống lại loài người, bao gồm giết người, tra tấn, bạo lực tình dục và bắt giữ con tin.

Các cường quốc bao gồm Nga, Mỹ và Trung Quốc, không công nhận thẩm quyền của tòa án. Họ chưa phê chuẩn Quy chế Rome, không công nhận lệnh truy nã quốc tế do tòa án này ban hành và sẽ không giao nộp công dân của mình để truy tố.

Cả Israel và Gaza cũng đều không phải là thành viên của tòa án. Nhưng trong khi nhiều quốc gia không công nhận Nhà nước Palestine (kiểm soát Bờ Tây), thì ICC đã công nhận chính quyền Palestine từ năm 2015. ICC đã phán quyết rằng họ có thẩm quyền đối với các vùng lãnh thổ Palestine là Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem, bất chấp Gaza đã bị Hamas kiểm soát từ năm 2007.

“Tôi cho rằng điều đó khiến các hành động của Hamas dễ bị ICC truy tố hơn vì Hamas đã chứng minh vai trò của mình là cơ quan quản lý khu vực Gaza của Nhà nước Palestine, và do đó, quyền hạn sẽ đi kèm trách nhiệm, bao gồm cả việc họ phạm tội ác tàn bạo” - David Scheffer, cựu Đại sứ Mỹ và là nhà đàm phán chính xây dựng điều lệ thành lập ICC, cho biết.

Quyền tài phán của ICC có thể mở rộng ra ngoài các quốc gia thành viên, và đây là điều quan trọng đối với quyền hạn của tòa án. Quy chế Rome trao quyền cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chuyển các tội ác tàn bạo được thực hiện ở bất kỳ quốc gia nào — là thành viên của tòa án quốc tế hay không — cho ICC để điều tra.

Trước đây, Hội đồng Bảo an đã chuyển hồ sơ Sudan đến ICC vào năm 2005 về tình hình nhân đạo ở Darfur và chuyển hồ sơ về Libya vào năm 2011, mặc dù cả hai đều không là thành viên của tòa án.

Các chuyên gia cho biết, xét đến căng thẳng hiện tại giữa 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ), thì không có khả năng Hội đồng Bảo an sẽ nhất trí chuyển một cá nhân đến tòa án để truy tố trong thời gian tới.

“Do những bất đồng trong Hội đồng Bảo an những năm gần đây, không có khả năng bất kỳ đề xuất chuyển giao nào như vậy về bất kỳ tình huống cụ thể nào trên thế giới sẽ vượt qua một sự phủ quyết”, ông Scheffer cho biết.

ICC có tìm cách truy tố các nhà lãnh đạo từ các nước phi thành viên không?

Có. Nga không phải là thành viên của tòa án, nhưng vào năm 2023, ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin, liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Ukraine cũng chưa phải là thành viên ICC nhưng đã cấp quyền tài phán cho ICC và mời tòa án này điều tra. Kiev đang trên đường trở thành thành viên ICC vào năm 2025.

Tòa án cũng đã ban hành lệnh bắt giữ Omar Hassan al-Bashir, cựu Tổng thống Sudan, và Đại tá Muammar el-Qaddafi, cựu lãnh đạo Libya. Không quốc gia nào là thành viên của tòa án.

Năm 2017, công tố viên của ICC bắt đầu điều tra các cáo buộc về tội ác chiến tranh ở Afghanistan, bao gồm bất kỳ cáo buộc nào có thể do người Mỹ thực hiện. Để đáp trả, Washington đã áp đặt lệnh trừng phạt và thu hồi thị thực của Fatou Bensouda, công tố viên trưởng của ICC vào thời điểm đó. Sau đó, tòa đã hủy bỏ cuộc điều tra.

ICC có thể thực thi lệnh bắt giữ không?

Mặc dù về mặt lý thuyết, phạm vi hoạt động của ICC có thể gần như là phổ quát, nhưng quyền lực của tòa cuối cùng lại nằm trong tay các thành viên của mình.

ICC không thể xét xử vắng mặt những người bị buộc tội và không có cơ chế để buộc bị cáo phải ra tòa. Tòa án dựa vào các quốc gia thành viên để hành động như những người thực thi và giam giữ nghi phạm trước khi họ có thể ra tòa tại The Hague. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia thành viên đều tuân thủ thỏa thuận.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết hôm 22/11 rằng ông đã mời ông Netanyahu đến thăm đất nước của mình, một thành viên của tòa án, và rằng ông sẽ bỏ qua nghĩa vụ chính thức của Hungary là hành động theo lệnh bắt giữ của tòa án.

Vào tháng 9, ông Putin đã đến thăm Mông Cổ, một thành viên khác của ICC, mà không bị bắt giữ.

Năm 2015, cựu Tổng thống Sudan al-Bashir đến thăm Nam Phi, cũng là một thành viên, để tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi, nhưng ông đã vội vã rời đi để trốn tránh lệnh sắp tới từ tòa án địa phương.

Với Mohammed Deif, không rõ ông còn sống hay đã chết. Vào tháng 8, Israel tuyên bố rằng họ đã giết chết ông trong một cuộc không kích ở miền nam Gaza khiến hàng chục người Palestine thiệt mạng, mặc dù Hamas vẫn chưa xác nhận cái chết của Deif.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New York Times)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/israel-khong-phai-la-thanh-vien-icc-co-the-truy-to-ong-netanyahu-nhu-the-nao-20241125131539830.htm