Israel: Liều vắc xin COVID-19 thứ 4 giúp bảo vệ nhóm có nguy cơ cao

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tại Jerusalem, Israel ngày 29/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Một nghiên cứu của Trung tâm y tế Sheba vừa xuất bản trên tạp chí Y học New England cho thấy liều vắc xin thứ 4 của Pfizer và Moderna tỏ ra ít hiệu quả trong tạo miễn dịch chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

So sánh với kết quả sản sinh miễn dịch trên những người trẻ và khỏe mạnh đã được tiêm 3 liều vắc xin cho thấy liều thứ 4 có ít hoặc không cải thiện khả năng chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Nghiên cứu cũng chứng minh những người trẻ và khỏe mạnh đã được tiêm 3 liều vắc xin sẽ tạo miễn dịch ở mức độ vừa phải.

Tờ Jerusalem Post dẫn lời Giáo sư Gili Regev Yochay, Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Y tế Sheba nêu rõ: "Trong số khoảng 600 tình nguyện viên tham gia nghiên cứu, có 270 người đã được tiêm liều vắc xin thứ 4 của Pfizer hoặc Moderna. Chúng tôi không phát hiện có sự khác biệt nào cả về mức độ kháng thể IgG và mức độ kháng thể vô hiệu hóa virus, và chỉ đạt mức độ tương đương mức đã đạt được một tháng sau khi tiêm liều thứ 3".

Bà Yochay khẳng định tỉ lệ lây bệnh của những người được tiêm mũi tăng cường thứ 4 chỉ thấp hơn một chút so với những người trong nhóm đối chứng. Tuy nhiên, giáo sư Yochay cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của liều tiêm thứ 3 đối với những người chưa từng mắc COVID-19 và đối với những nhóm người có nguy cơ cao thì liều thứ 4 có thể bảo vệ họ khỏi nguy cơ bệnh diễn biến nặng.

Nhờ cơ sở dữ liệu thu thập được từ khi bùng phát đại dịch, Trung tâm Y tế Sheba đang chủ động tiên phong trong nghiên cứu về "hành vi" của virus SARS-CoV-2 và tính hiệu quả của các loại vắc xin ngừa COVID-19.

Nhóm nghiên cứu hy vọng kết quả này sẽ góp phần tham mưu phục vụ điều chỉnh chính sách phòng chống dịch bệnh của Israel và thế giới.

Trong khi đó, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 17/3 cho biết còn quá sớm để kêu gọi tiêm mũi vắc xin tăng cường thứ hai ngừa COVID-19, dù số ca nhiễm mới tăng mạnh do biến thể Omicron.

Phát biểu tại họp báo thường kỳ của EMA, người phụ trách chiến lược vắc xin của EMA, ông Marco Cavaleri cho rằng các quy định phòng dịch kiểu chắp vá ở nhiều nước có thể là một phần nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng. Ông nói: "Chúng tôi ghi nhận rằng tỉ lệ mắc COVID-19 đang tăng trở lại ở một số nước thành viên sau khi đã giảm trong vài tuần".

Trước đó, ngày 16/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo số ca nhiễm tăng trên toàn cầu dù mức độ xét nghiệm giảm. Trong một tuần qua, thế giới ghi nhận hơn 11 triệu ca mắc COVID-19, tăng 8% so với tuần trước đó, và hơn 43.000 ca tử vong mới.

Theo ông Cavaleri, EMA đang "tiếp tục theo dõi hiệu quả của các vắc xin ngừa COVID-19 đối với biến thể Omicron”. Ông kêu gọi người dân châu Âu hãy đi tiêm phòng, đồng thời nhấn mạnh rằng tại nước có tỉ lệ tiêm phòng cao thì tỉ lệ nhập viện và tử vong thấp hơn đáng kể.

Tuy nhiên, ông tái khẳng định rằng "chưa có đủ bằng chứng để đưa ra khuyến nghị tiêm đại trà mũi tăng cường thứ hai”. Đến nay, EMA đã phê chuẩn 5 loại vắc xin, của các hãng Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, và Novavax.

Trong khi đó, Bộ Y tế Canada ngày 17/3 đã phê duyệt việc sử dụng Spikevax - vắc xin phòng COVID-19 của Moderna - cho trẻ em từ 6 đến 11 tuổi. Loại vắc xin hai liều này, với 100 microgram/liều, đã được phê duyệt sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên. Phiên bản dành cho trẻ em từ 6-11 tuổi là hai liều, với 50 microgram/liều.

Trong tháng trước, Bộ Y tế Canada đã cấp phép sử dụng đối với Covifenz - một loại vắc xin phòng COVID-19 do hãng công nghệ sinh học Medicago sản xuất tại Canada. Covifenz có nguồn gốc từ thực vật, được phép sử dụng cho những người từ 18 đến 64 tuổi.

Medicago cũng đã nộp đơn xin giấy phép sử dụng khẩn cấp thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, Tiến sĩ Mariangela Simo, Trợ lý Tổng giám đốc của WHO về tiếp cận thuốc, vắc xin và dược phẩm, cho biết WHO có các chính sách nghiêm ngặt về việc hợp tác với các công ty thuốc lá và các nhà sản xuất vũ khí.

Trong khi đó, Medicago - công ty có trụ sở tại Quebec - được sở hữu một phần bởi nhà sản xuất thuốc lá Philip Morris International. WHO cho biết tổ chức này dự kiến sẽ không chấp thuận vắc xin phòng COVID-19 của Medicago vì mối quan hệ của Medicago với công ty thuốc lá.

Canada đã lên kế hoạch tặng lượng vắc xin dôi dư cho các nước thu nhập thấp thông qua COVAX - cơ chế bảo đảm tiếp cận vắc xin trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, COVAX chỉ có thể sử dụng vắc xin được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp, vì vậy việc Medicago bị từ chối có thể hạn chế việc sử dụng vắc xin này trên thế giới.

Ngày 17/3, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức quyết định dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với 18 tỉnh, thành phố còn lại vào đúng thời hạn 21/3, đồng thời chuyển trọng tâm sang khôi phục kinh tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, với quyết định này, toàn bộ 18 tỉnh, thành phố gồm có Hokkaido, Aomori, Ibaraki, Tochigi, Gunma, Saitama, Chiba, Tokyo, Kanagawa, Shizuoka, Aichi, Gifu, Ishikawa, Kyoto, Osaka, Hyogo, Kagawa và Kumamoto sẽ bình thường hóa tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội lần đầu tiên sau hai tháng rưỡi.

Như vậy, từ sau ngày 21/3, các cơ sở kinh doanh ăn uống tại các địa phương này sẽ không còn bị giới hạn thời gian mở cửa, được phép cung cấp đồ uống có cồn và không giới hạn số lượng người ngồi chung một bàn là 5 người như trước đó.

Bên cạnh đó, các địa điểm tổ chức sự kiện sẽ được phép tiếp nhận đủ số người tham gia theo sức chứa, thay vì hạn chế ở mức dưới 20.000 người. Quyết định trên được đưa ra trên cơ sở các tiêu chuẩn mới áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm được điều chỉnh ngày 11/3 vừa qua.

Các địa phương vẫn duy trì trạng thái bình thường ngay cả khi số ca nhiễm mới tăng nhẹ hoặc vẫn đứng ở mức tương đối cao, nhưng tỉ lệ sử dụng giường bệnh dành riêng cho các bệnh nhân COVID-19 dự kiến sẽ giảm.

Trường hợp tỉ lệ sử dụng giường dành riêng cho các bệnh nhân COVID-19 ở trên ngưỡng 50% nhưng số ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm thì vẫn không áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm.

Theo Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, quyết định trên sẽ giúp Nhật Bản chính thức bước vào thời kỳ bình thường mới, tập trung khôi phục các hoạt động kinh tế vốn chịu ảnh hưởng lớn bởi các làn sóng lây nhiễm COVID-19.

Giới chuyên gia y tế Nhật Bản nhận định, mặc dù dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch trọng điểm, nhưng không thể xem nhẹ nguy cơ tái bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 7 với biến thể phụ BA.2 của Omicron (còn gọi là “Omicron tàng hình”) được đánh giá có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn.

Do đó, điều quan trọng là chính quyền các địa phương phải tiếp tục củng cố hệ thống y tế và người dân được khuyến cáo nên thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch cơ bản như sát khuẩn, đeo khẩu trang, cố gắng tránh tụ tập đông người cũng như tiêm phòng đầy đủ vắc xin ngừa COVID-19 mũi tăng cường.

Ngoài ra, chính quyền mỗi địa phương căn cứ vào tình hình dịch bệnh cụ thể có thể linh hoạt duy trì một phần các quy định trong các biện pháp phòng dịch trọng điểm nếu thấy cần thiết.

Ngày 17/3, Nhật Bản ghi nhận 53.587 ca nhiễm mới, tiếp tục duy trì mức trung bình 50.000 ca/ngày trong một tuần gần đây, trong đó thủ đô Tokyo là 8.461 ca, giảm 1.600 ca so với trước đó 1 tuần.Ngoài ra, tỉ lệ sử dụng giường bệnh tại đa số các địa phương đều giảm dưới ngưỡng 50%, trừ tỉnh Kanagawa, Shiga và Osaka.

Cùng ngày 17/3, chính phủ Ý đã quyết định giảm bớt một số hạn chế COVID-19 và sẽ không gia hạn tình trạng khẩn cấp sau ngày 31/3 tới. Phát biểu với báo giới sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza nói rằng những người tiếp xúc với những người dương tính với COVID-19 sẽ không còn phải cách ly.

Tuy nhiên, những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vẫn sẽ bị yêu cầu cách ly. Bộ trưởng Speranza cho biết thêm giới hạn sức chứa trong các sân vận động cho các sự kiện thể thao và buổi hòa nhạc cũng sẽ sớm được dỡ bỏ.

Bất kỳ công dân nào trên 50 tuổi chưa tiêm vắc xin sẽ có thể làm việc nếu họ có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính. Tuy nhiên, các nhân viên y tế và những người làm việc trong các viện dưỡng lão vẫn sẽ được yêu cầu tiêm vắc xin đến hết năm 2022, bất kể tuổi tác.

Người dân vẫn phải đeo khẩu trang tại các địa điểm trong nhà như nhà hàng, phòng tập thể dục, hồ bơi, rạp hát và vũ trường cũng như nơi làm việc cho đến ngày 30/4.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/272128/israel--lieu-vac-xin-covid-19-thu-4-giup-bao-ve-nhom-co-nguy-co-cao.html