Israel nâng cao hình ảnh quốc gia thông qua 'đế chế' ngoại giao số

Nhằm tăng cường hình ảnh quốc gia, Bộ Ngoại giao Israel đã tạo ra một 'đế chế' truyền thông đối ngoại nhằm triển khai các hoạt động ngoại giao số. Tuy nhiên, quá trình này gặp không ít thách thức.

Tổng thống Israel Issac Herzog phát biểu trực tuyến vào tháng 10/2021, tại Diễn đàn Quốc tế Malmo tưởng niệm nạn nhân của vuh thảm sát Holocaust và chống chủ nghĩa bài trừ Do Thái. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Israel Issac Herzog phát biểu trực tuyến vào tháng 10/2021, tại Diễn đàn Quốc tế Malmo tưởng niệm nạn nhân của vuh thảm sát Holocaust và chống chủ nghĩa bài trừ Do Thái. (Nguồn: Reuters)

Trong một bài viết đăng tải trên The Jerusalem Post, tác giả Ilan Manor* đã nêu bật tầm quan trọng của ngoại giao số và những thách thức mà Bộ Ngoại giao Israel đang đối mặt khi triển khai hoạt động này. Dưới đây là nội dung bài viết.

Thế kỷ 21 chứng kiến ranh giới giữa các hình thức ngoại giao trực tuyến và trực tiếp đang dần trở nên lu mờ, do phần lớn người dân đã chuyển sang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tìm hiểu về các sự kiện và các tác nhân gây biến động trên phạm vi toàn cầu.

Chính vì vậy, bộ ngoại giao nhiều nước trên thế giới đã chuyển sang thúc đẩy hoạt động truyền thông đối ngoại trên các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Facebook, YouTube và TikTok nhằm mục đích tăng tương tác với công chúng và định hướng dư luận trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

Khi các nhà ngoại giao sử dụng mạng xã hội có nghĩa là họ đang tiến hành hoạt động ngoại giao số. Họ tìm cách tận dụng các nền tảng này để đạt được các mục tiêu chính sách trực tiếp, từ kêu gọi đầu tư nước ngoài đến vận động hành lang tại các tổ chức quốc tế như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Với Bộ Ngoại giao Israel, các hoạt động sử dụng nền tảng kỹ thuật số không phải là điều xa lạ và thậm chí ngành ngoại giao của Israel được coi là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Israel hiện cũng gặp phải các thách thức về ngân sách và nguồn lực trong quá trình triển khai các hoạt động ngoại giao số.

Khi ngoại giao số 'lên ngôi'

Từ năm 2009, Bộ Ngoại giao Israel đã tạo ra một “đế chế” truyền thông đối ngoại với hàng chục tài khoản trên nhiều nền tảng số khác nhau. Đơn vị ngoại giao số của Bộ Ngoại giao Israel có ba nhiệm vụ chính.

Một là, định hướng nhận thức của công chúng về vị thế đất nước và vị trí của chính sách đối ngoại Israel ở cả hai cấp độ khu vực và toàn cầu.

Bản thân mạng xã hội là một môi trường cạnh tranh, nơi nhà ngoại giao các nước đều mong muốn giành được sự chú ý và ủng hộ lớn của dư luận quốc tế trên nền tảng kỹ thuật số. Các nỗ lực mang tính cạnh tranh trực tuyến đó có ý nghĩa và ảnh hưởng rất quan trọng tới các hoạt động đối ngoại trực tiếp.

Ví dụ như đơn vị ngoại giao số của Israel hiện đang triển khai một chiến dịch toàn cầu, hướng tới tác động đến các cuộc đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân của Iran. Mục tiêu của chiến dịch này nhằm bảo đảm một thỏa thuận mới về vấn đề hạt nhân Iran trong tương lai sẽ không gây phương hại tới lợi ích cũng như an ninh quốc gia của Israel.

Tương tự như vậy, các nhà ngoại giao Mỹ, Nga và Iran cũng hoạt động rất tích cực trên mạng xã hội. Họ nhấn mạnh rằng các bên đạt được một thỏa thuận khả thi sẽ tạo ra bước tiến quan trọng đối với ổn định khu vực, qua đó mở ra các kênh đối thoại mới giữa Iran và thế giới. Những tiếng nói ủng hộ mà các nhà ngoại giao thu hút được trong quá trình cạnh tranh ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội sẽ trở thành cơ sở xây dựng nội dung thỏa thuận trực tiếp có liên quan đến các mối quan ngại về an ninh của Israel.

Hai là, quản lý hình ảnh quốc gia của Israel trên phạm vi toàn cầu trong cả thời bình lẫn thời chiến.

Hình ảnh quốc gia trên các nền tảng trực tuyến có ảnh hưởng sâu sắc tới vị thế của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Các quốc gia có hình thức thể hiện, quảng bá hình ảnh gắn liền với các chuẩn mực và giá trị tích cực thường sẽ ít bị phản đối khi triển khai chính sách đối ngoại. Ngược lại, nếu các quốc gia không tạo dựng được hình ảnh tích cực sẽ khó đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại của mình, cũng như sẽ gặp khó khăn khi mong muốn mở rộng quan hệ với đối tác tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc.

Từ đó, người ta nhận thấy rằng lĩnh vực kỹ thuật số có vai trò rất quan trọng. Thông qua các nền tảng mạng xã hội, các nước có thể xác định được các giá trị họ theo đuổi và có thể chứng minh được vai trò của các giá trị đó đối với quá trình hoạch định chính sách đối ngoại quốc gia.

Thông qua mạng lưới quảng bá hình ảnh trên nền tảng mạng xã hội rộng lớn của mình, Bộ Ngoại giao Israel thúc đẩy phổ biến các hình ảnh tích cực về đất nước và con người Israel sáng tạo và khoan dung giữa một khu vực địa lý đầy rẫy các hình ảnh độc đoán và toàn trị. Đáng chú ý nhất phải kể đến thành công của đơn vị ngoại giao số Israel trong tiếp cận và tương tác với hàng triệu người dùng mạng xã hội ở các nước Arab.

Xây dựng, quảng bá hình ảnh của Israel có vai trò đặc biệt quan trọng khi có khủng hoảng. Chẳng hạn như trong các cuộc xung đột với Hezbollah, thái độ của cộng đồng quốc tế có ý nghĩa quyết định đối với quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu quân sự của Israel. Một khi công dân mạng bắt đầu chỉ trích Israel, chính phủ các nước khác sẽ sẽ nhanh chóng bắt nhịp theo, buộc Israel phải chịu áp lực từ cộng đồng quốc tế và phải ngừng tiến hành các hoạt động quân sự. Đơn vị ngoại giao số là bộ phận duy nhất có trách nhiệm kêu gọi cư dân mạng đứng về phía Israel, đồng thời ngăn các chủ thể khác như Hezbollah hay Iran tiếp tục “đổ dầu vào lửa” trên các nền tảng số.

Ba là, ngăn chặn làn sóng bài Do Thái trên các phương tiện mạng xã hội.

Đây là một nhiệm vụ nặng nề vì người ta ước tính rằng cứ 30 giây lại có một nội dung chống Do Thái xuất hiện trên mạng xã hội. Các nhà ngoại giao Israel phải sử dụng hàng loạt các công nghệ kỹ thuật số để gỡ bỏ những nội dung kêu gọi tiến hành sử dụng bạo lực đối với người Do Thái trên mạng xã hội.

Đơn vị này cũng phải lên tiếng phủ nhận các thuyết âm mưu cho rằng người Do Thái có tham vọng thống trị nền tài chính toàn cầu và bác bỏ cáo buộc rằng người Do Thái đang tích trữ vaccine Covid-19 hoặc thu lợi từ đại dịch.

Kể từ khi thành lập, đơn vị ngoại giao số đã tiên phong đi đầu trong sử dụng các công nghệ hiện đại. Các nhà ngoại giao Israel đã tạo ra các thuật toán mạng xã hội và sử dụng phương pháp phân tích dữ liệu lớn để xây dựng quảng bá hình ảnh quốc gia của Israel. Họ cũng vận dụng trí tuệ nhân tạo để định hướng các cuộc tranh luận công khai trên môi trường mạng.

Các nhà ngoại giao Israel đã tạo ra các thuật toán mạng xã hội và sử dụng phương pháp phân tích dữ liệu lớn để xây dựng quảng bá hình ảnh quốc gia của Israel. Họ cũng vận dụng trí tuệ nhân tạo để định hướng các cuộc tranh luận công khai trên môi trường mạng. (Nguồn: TRT)

Các nhà ngoại giao Israel đã tạo ra các thuật toán mạng xã hội và sử dụng phương pháp phân tích dữ liệu lớn để xây dựng quảng bá hình ảnh quốc gia của Israel. Họ cũng vận dụng trí tuệ nhân tạo để định hướng các cuộc tranh luận công khai trên môi trường mạng. (Nguồn: TRT)

Thách thức về ngân sách và nguồn lực

Tuy nhiên, các hoạt động liên quan đến kỹ thuật số đặt ra yêu cầu bộ ngoại giao phải được cung cấp đầy đủ các nguồn lực, trong đó có tài chính.

Các hoạt động ngoại giao số đòi hỏi nguồn nhân lực và vật lực lớn, bởi các nhà ngoại giao phải liên tục theo dõi hoạt động của các quốc gia khác và đấu tranh bác bỏ các thông tin sai lệch, bảo vệ lợi ích quốc gia và định hướng thông tin đối ngoại trực tuyến. Họ phải dành thời gian để tương tác với công chúng thông qua các trang mạng xã hội, đồng thời tìm cách phát động các “cuộc chiến” chống lại những nội dung gây thù hận mà lại có lượng người theo dõi lớn.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, bộ ngoại giao các nước đang gặp khó khăn do ngân sách hạn chế. Kèm theo đó, năng lực ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số của Israel cũng bị ảnh hưởng khi ngân sách và chế độ lương thưởng của các nhà ngoại giao bị cắt giảm.

Bên cạnh đó, mặt trận kỹ thuật số cũng đầy rẫy thị phi. Mỗi ngày, có hàng ngàn câu chuyện sai sự thật, hàng loạt thuyết âm mưu và vô số đoạn băng ghi hình ngắn được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mang xã hội hòng làm suy giảm vị thế quốc tế và uy tín quốc gia của Israel. Nếu không có đủ nguồn lực, Israel sẽ không kêu gọi được sự ủng hộ của cư dân mạng và sẽ dần trở thành một quốc gia bị bài xích.

Do đó, người dân và chính phủ Israel cần đẩy mạnh hơn nữa và không nên cắt giảm ngân sách hay giảm ưu tiên cho bộ ngoại giao cũng như mặt trận ngoại giao số.

* Tác giả là một học giả về ngoại giao số, giảng dạy tại Khoa Truyền thông, Đại học Ben-Gurion, thành phố Negev, Israel. Tác phẩm của ông mang tên “Số hóa ngoại giao công chúng” (The Digitalization of Public Diplomacy) được xuất bản năm 2019.

(theo Jerusalem Post)

Vạn Xuân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/israel-nang-cao-hinh-anh-quoc-gia-thong-qua-de-che-ngoai-giao-so-171502.html