Israel ngăn cản quyết định của châu Âu về việc dán nhãn ký hiệu hàng hóa sản xuất ở các khu định cư do thái
Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ) ở Luxembourg dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 12 tháng 11 tới đây về việc liệu có dán nhãn ký hiệu đối với hàng hóa sản xuất tại các khu vực định cư ở Khu Bờ Tây và Cao nguyên Golan của Israel được xuất khẩu tới các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) hay không.
Phán quyết này sẽ được đưa ra, sau khi có một khiếu nại do hãng sản xuất rượu vang Psagot Winery của Israel đệ trình tới Tòa án Hành chính của Pháp nhằm chống lại quy định của EU vào năm 2015 nhằm gắn nhãn ký hiệu các sản phẩm được sản xuất ở Khu Bờ Tây, Cao nguyên Golan và vùng Đông Jerusalem bằng một nhãn mác đặc biệt. Phán quyết nói trên là một bước triển khai các quy định hướng dẫn của EU được thông qua vào tháng 11 năm 2015 nhằm gắn nhãn mác ký hiệu các sản phẩm có nguồn gốc sản xuất từ các khu định cư của Israel, một động thái bị Israel chỉ trích là “phân biệt đối xử” và đang gây tổn hạn tới những nỗ lực hòa bình với người Palestine.
Pháp là một trong những nước đầu tiên thông qua triển khai thực hiện những quy định hướng dẫn mới này và thậm chí trong năm 2016, Bộ Kinh tế của Pháp đã ban hành những quy định nguyên tắc riêng của họ yêu cầu dán nhãn mác ký hiệu đối với những sản phẩm được sản xuất tại các khu định cư Do Thái. Tòa án Hành chính của Pháp sau đó đã hủy bỏ áp dụng những quy định đó cho đến khi có thông báo tiếp theo sau khi hãng sản xuất rượu vang Psagot Winery thuộc trong số những doanh nghiệp khác của Israel đệ trình khiếu nại về việc gắn nhãn ký hiệu đối với các sản phẩm của họ và khiếu nại các quy định đó vi phạm hiến pháp của nước Pháp.
Do đây là một quyết định của Châu Âu nên sau đó tòa án của Pháp đã chuyển vấn đề này tới Tòa án Công lý của Châu Âu ở Luxemburg là tòa án tối cao. Quyết định của tòa án tối cao là không thể kháng cáo. Phán quyết Tòa án Công lý của Châu Âu có thể đưa ra một công cụ thiết thực có ảnh hưởng tiêu cực tới Israel và hàng xuất khẩu của Israel vào Châu Âu.
Bộ Ngoại giao Israel e ngại một phán quyết mang tính tiền lệ của ECJ yêu cầu các sản phẩm được gắn nhãn mác từ các khu định cư sẽ có hiệu lực đối với tất cả 28 nước thành viên EU và khuyến khích phong trào BDS (tẩy chay, thoái rút vốn và trừng phạt), các tổ chức phi pháp khác chống đối Israel sẽ tẩy chay hàng hóa xuất khẩu của Israel. Ngoài ra, Israel cũng lo ngại phong trào BDS sẽ tận dụng tiền lệ này và kêu gọi các nước bên ngoài Châu Âu dán nhãn ký hiệu sản phẩm có nguồn gốc sản xuất từ các khu định cư Do Thái. Trước đây, nhờ những nỗ lực của Bộ Ngoại giao Israel và các cơ quan đại diện ngoại giao của Israel ở Châu Âu, việc triển khai thực hiện những quy định hướng dẫn mới đó đã được ngăn chặn thành công ở hầu hết các nước Châu Âu.
Như đã nêu, tác động ảnh hưởng của phán quyết nói trên tới công chúng sẽ là rất lớn, không chỉ bởi vì về mặt ý nghĩa đối với hoạt động xuất khẩu của Israel, mà còn là đối với những hoạt động bất hợp pháp nhằm chống lại nhà nước Israel. Phán quyết đó sẽ cho phép những người hoạt động cực đoan thuộc phong trào BDS kháng cáo tới các tòa án địa phương của họ ở khắp EU và sẽ được coi là bắt buộc phải thực hiện phán quyết mà không cần tổ chức các phiên điều trần về vấn đề này.
Bộ Ngoại giao Israel đang chuẩn bị đối phó với phán quyết nói trên. Trong trường hợp có phán quyết bất lợi cho Israel, hầu hết các hoạt động của các cơ quan đại diện ngoại giao của Israel sẽ được hướng vào các Bộ quản lý chuyên ngành kinh tế và nông nghiệp ở các nước sở tại để nhằm thuyết phục họ không áp dụng phán quyết hoặc giải thích phán quyết theo cách nhẹ nhàng.
Gần đây nhất, vào cuối tháng 8 vừa qua, Israel và Hàn Quốc đã kết thúc đàm phán FTA song phương và hai bên đã nhất trí quy định hàng hóa và dịch vụ của các công ty thuộc khu vực cao nguyên Golan, Judea, Samaria và vùng phía đông của Jerusalem không thuộc đối tượng điều chỉnh, không thuộc phạm vi áp dụng của hiệp định. Trước đây, trong các FTA Israel đã ký với EU và Hoa Kỳ cũng đều có áp dụng các quy định tương tự.