Israel nôn nóng tiêm mũi thứ 4, nhưng có thể phản tác dụng

Một số nhà khoa học cảnh báo tiêm quá nhiều mũi vaccine ngừa Covid-19 có thể gây hại cho khả năng chống lại virus của cơ thể. Nhưng giới chức Israel dường như không muốn chờ đợi.

Trước sự xuất hiện của biến chủng Omicron với khả năng lây lan nhanh chóng, giới chức Israel xem xét có nên phê duyệt tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ tư cho nhóm dân số dễ bị tổn thương hay không.

Mặc dù một hội đồng cố vấn của chính phủ thừa nhận khuyến nghị trên không dựa trên dữ liệu khoa học mới về Omicron, họ vẫn đi đến kết luận hôm 22/12 rằng lợi ích tiềm năng của mũi thứ tư lớn hơn rủi ro.

Theo các quan chức y tế, nhiều dấu hiệu cho thấy khả năng miễn dịch bị suy giảm vài tháng sau khi tiêm mũi thứ ba. Họ lập luận rằng sự chậm trễ trong việc triển khai tiêm mũi bổ sung có thể dẫn đến hậu quả tồi tệ ở những người có nguy cơ cao.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học cảnh báo kế hoạch này có thể phản tác dụng, vì một số tế bào miễn dịch có thể ngừng phản ứng với vaccine nếu tiêm quá nhiều liều, theo New York Times.

Israel quyết đi tiên phong về mũi vaccine thứ tư

Tuần này, Israel trở trở thành quốc gia đầu tiên đề xuất tiêm mũi thứ tư để chống lại biến chủng Omicron, sau khi các quan chức y tế kết luận rằng mũi tăng cường ban đầu đã lật ngược tình thế trước biến chủng Delta mùa thu vừa qua.

Thủ tướng Naftali Bennett nói rõ rằng ông ủng hộ việc tiêm mũi thứ tư, trong khi Bộ trưởng Y tế Nitzan Horowitz gợi ý đợt tiêm mũi tăng cường mới có thể bắt đầu vào ngày 26/12.

“Công dân Israel là những người đầu tiên trên thế giới được tiêm mũi vaccine thứ ba. Chúng tôi đang tiếp tục dẫn đầu với mũi thứ tư”, ông Bennett cho biết.

Động thái này cần có sự phê duyệt cuối cùng của Vụ trưởng Nachman Ash tại Bộ Y tế trước khi có hiệu lực và trở thành chính sách quốc gia.

 Người dân được tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ ba ở Jerusalem vào tháng 8. Ảnh: Reuters.

Người dân được tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ ba ở Jerusalem vào tháng 8. Ảnh: Reuters.

Israel, một quốc gia nhỏ với hệ thống y tế công hiệu quả, là nước tiên phong trong việc triển khai đợt tiêm chủng đầu tiên, sau đó là tiêm các mũi nhắc lại. Vì vậy, nơi này được xem là hình mẫu để phần còn lại của thế giới theo dõi, đánh giá và điều chỉnh chính sách phù hợp.

Tốc độ tiêm chủng nhanh chóng của Israel đã đặt nước này vào tình thế phải đánh giá sớm mức độ hiệu quả của các mũi tiêm và sự suy giảm trước biến chủng mới.

“Cái giá phải trả sẽ cao hơn nếu chúng ta không tiêm chủng”, tiến sĩ Boaz Lev, người đứng đầu hội đồng cố vấn của chính phủ, cho biết. Ông mô tả sự lan rộng của Omicron là “một dạng sóng thần hoặc lốc xoáy” và nhấn mạnh: “Chúng tôi không có nhiều thời gian để đưa ra quyết định”.

Với việc Omicron đang quét khắp thế giới với tốc độ đáng báo động, các chính phủ đang cố gắng tìm cách kiềm chế sự lây lan của virus trong giai đoạn nghỉ lễ cuối năm.

Gần đây, một báo cáo mới của Anh cho thấy hiệu quả của mũi thứ ba sẽ suy giảm trong việc ngăn ngừa người mắc Covid-19 phát sinh triệu chứng bệnh sau 10 tuần trước biến chủng Omicron.

Trong bối cảnh đó, ban cố vấn y tế Israel đã bỏ phiếu áp đảo để đề xuất tiêm mũi thứ tư cho những người trên 60 tuổi, những người có hệ thống miễn dịch yếu và nhân viên y tế ở thời điểm 4 tháng sau liều thứ ba.

Khoảng cách khuyến cáo giữa liều thứ hai và thứ ba cũng được rút ngắn từ 5 tháng xuống còn 3 tháng.

Trên thực tế, hiệu quả của mũi thứ tư trước biến chủng mới chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế Israel chỉ ra rằng khả năng miễn dịch đã bị suy giảm ở những người 60 tuổi trở lên - nhóm đầu tiên được tiêm mũi thứ ba kể từ tháng 8.

Các nhà nghiên cứu từ Bộ Y tế Israel và một số tổ chức học thuật đã trình bày dữ liệu cho thấy tỷ lệ nhiễm Delta ở nhóm tuổi trên 60 tăng gấp đôi trong 4-5 tháng sau khi tiêm mũi thứ ba.

Mặc dù bằng chứng ban đầu cho thấy Omicron dường như gây bệnh nhẹ hơn so với các biến chủng trước, các quan chức Israel cho biết vào thời điểm họ nắm được thông tin rõ ràng hơn thì có thể đã quá muộn để bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất.

Thúc đẩy tiêm mũi 4 do hoảng loạn?

Dù vậy, một số chuyên gia y tế đề nghị Israel nên hoãn lại lại kế hoạch của mình.

Theo đó, việc tiêm quá nhiều mũi vaccine có thể gây ra một loại “mệt mỏi” đối với hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng đến khả năng chống lại virus corona của cơ thể.

Giáo sư Hagai Levine, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Y tế Công cộng Israel, cho biết nước này vẫn chưa chứng kiến sự gia tăng mạnh các ca mắc Covid-19. Những mũi vaccine hiện tại vẫn có khả năng ngăn ngừa triệu chứng nặng, cũng như tử vong trước Omicron.

Hiện số trường hợp được ghi nhận hàng ngày ở Israel là khoảng 1.200, giảm đáng kể so với con số 11.000 vào thời điểm làn sóng dịch Delta đạt đỉnh.

Hôm 22/12, Bộ Y tế Israel cho biết người đàn ông 65 tuổi qua đời một ngày trước đó đã nhiễm biến chủng Delta, chứ không phải Omicron như thông tin ban đầu.

 Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân trong khu vực Covid-19 tại Trung tâm Y tế Barzilai ở Ashkelon, Israel vào tháng 8. Ảnh: AP.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân trong khu vực Covid-19 tại Trung tâm Y tế Barzilai ở Ashkelon, Israel vào tháng 8. Ảnh: AP.

“Không có vấn đề gì với việc chuẩn bị sẵn sàng đối phó biến chủng mới, nhưng trước khi tiêm mũi thứ tư, chúng ta nên chờ thêm nghiên cứu khoa học", giáo sư Levine nói.

Giáo sư Dror Mevorach, lãnh đạo nhóm nghiên cứu về virus corona tại Trung tâm Y tế Hadassah ở Jerusalem, cũng kêu gọi chờ đợi thêm dữ liệu.

“Chỉ vì chúng ta dẫn đầu trong việc tiêm mũi thứ ba không có nghĩa là điều ấy cũng sẽ lặp lại với mũi thứ tư, khi không có cơ sở khoa học”, ông nói.

Ông cho biết việc giảm lượng kháng thể theo thời gian là điều tự nhiên, trong khi việc tăng cường kháng thể có thể mang lại lợi ích hạn chế.

Ngoài lo ngại việc tiêm mũi thứ tư trong vòng chưa đầy một năm có thể làm suy yếu khả năng miễn dịch, một số chuyên gia cũng nhận định chính phủ Israel vẫn chưa tận dụng tối đa vaccine.

Amnon Lahad, Chủ tịch ngành y tế gia đình tại Đại học Hebrew, cho biết chiến dịch tiêm mũi thứ tư của Israel dựa trên “sự hoảng sợ” chứ không phải khoa học.

Theo ông, thay vì tiếp tục triển khai các đợt tăng cường, nước này nên dành nguồn lực để tiêm cho khoảng 1 triệu người vẫn hoàn toàn chưa được chủng ngừa. Nhiều người trong số này nằm trong nhóm cộng đồng thua thiệt và khó tiếp cận với cơ sở tiêm chủng.

Một số người Israel từng coi việc đất nước đi đầu trong chiến dịch tiêm chủng toàn dân là một “đặc ân”, đồng thời là “tấm vé” để nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường mới. Nhưng triển vọng tiêm mũi thứ tư trong vòng một năm gây nhiều tranh cãi.

“Giống như nhiều người, tôi hy vọng cuộc sống trở về bình thường. Không ai muốn doanh nghiệp phải đóng cửa”, Chely Edery, 59 tuổi, chủ một cửa hàng quà tặng ở Jerusalem, cho biết. “Nhưng tôi có cảm giác rằng lần này, họ không biết đủ”.

Benny Muchawsky, 80 tuổi, một kiến trúc sư, cho biết chiến dịch tiêm chủng mới dường như thể hiện "chứng cuồng loạn".

“Israel là phòng thí nghiệm cho vaccine ngừa virus corona", ông nói.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/israel-non-nong-tiem-mui-thu-4-nhung-co-the-phan-tac-dung-post1285343.html