Israel phá hủy ít nhất 16 nghĩa trang tại Dải Gaza
Theo CNN, quân đội Israel (IDF) đã phá hủy ít nhất 16 nghĩa trang tại Dải Gaza, để lại bia mộ bị hư hại, đất bị đào xới thậm chí còn có hài cốt lộ ra ngoài.
Đầu tuần qua, IDF vừa san phẳng một nghĩa trang trên địa bàn thành phố Khan Younis phía nam Gaza, lấy đi hàng loạt hài cốt để nhận dạng xem đây có phải con tin xấu số hay không. Hình ảnh vệ tinh, vài đoạn phim đăng trên mạng xã hội cùng những gì phóng viên CNN tận mắt chứng kiến khi cùng IDF đi vào vùng chiến sự chỉ ra rằng phá hủy nghĩa trang là hành động mang tính hệ thống chứ không phải cá biệt.
Theo luật pháp quốc tế, cố ý tấn công nghĩa trang có thể bị xem là tội ác chiến tranh, trừ trường hợp đặc biệt chẳng hạn địa điểm đó trở thành mục tiêu quân sự. Trước vụ việc này, IDF giải thích rằng “không còn lựa chọn nào khác” vì nhóm Hamas sử dụng các địa điểm này. Quân đội Israel cũng cam kết rằng họ sẽ trả lại hài cốt không phải là con tin một cách đàng hoàng và trang trọng.
CNN cũng ghi nhận, trong một số trường hợp, IDF sử dụng nghĩa trang làm tiền đồn quân sự chứ không phải Hamas. Hình ảnh vệ tinh cho thấy máy ủi của Israel san phẳng nhiều địa điểm rồi đắp hào để biến chúng thành nơi tập kết lính.
Trên địa bàn khu dân cư Shajaiya thuộc TP.Gaza, xe quân sự Israel xuất hiện ở nơi từng là nghĩa trang nhưng giờ đây bị bao quanh bởi tường hào dài. Theo truyền thông địa phương, phần trung tâm nghĩa trang đã được dọn sạch trước lúc giao tranh nổ ra, nhưng phần còn lại bị san phẳng sau đó, lực lượng IDF đồn trú tại đây từ ngày 10.12 năm ngoái.
Ngày 18.12, IDF công bố hình ảnh không ghi ngày tháng về một thứ họ xác định là bệ phóng tên lửa của Hamas trong khuôn viên nghĩa trang Shajaiya. CNN chưa thể xác minh thời điểm lẫn địa điểm ảnh chụp.
Cảnh tượng tương tự cũng xảy ra ở nghĩa trang Bani Suheila phía đông Khan Younis. Hình ảnh vệ tinh cho thấy nơi đây bị san ủi dần dần, công sự phòng thủ mọc lên vào khoảng cuối tháng 12 - đầu tháng 1.
Bia mộ tại 3 nghĩa trang Al Falouja, Al-Tuffah, Sheikh Ijlin trên địa bàn Gaza City bị hư hại, trên mộ còn dấu vết xe bọc thép hạng nặng hoặc xe tăng chạy qua. Tuần trước xe bọc thép chở đội ngũ CNN di chuyển trong Dải Gaza chạy thẳng qua nghĩa trang New Bureij ở trại tị nạn Al-Bureij, các ngôi mộ nằm hai bên con đường đất vừa được ủi phẳng.
Munther al Hayek hứng chịu nỗi đau mất con gái Dina trong cuộc chiến năm 2014. Đầu tháng qua ông đến nghĩa trang Sheikh Radwan ở Gaza City thăm mộ con nhưng không thể tìm thấy. Ông cũng chẳng nhìn ra mộ của bà mình đang ở đâu.
Nhóm chính trị Fatah tại Dải Gaza nói với CNN: “Lực lượng chiếm đóng đã phá hủy và san phẳng mộ. Cảnh tượng thật khủng khiếp. Chúng tôi muốn thế giới can thiệp để bảo vệ thường dân Palestine”.
Nhà thơ Mosab Abu Toha đến từ Dải Gaza (đang sống an toàn tại Ai Cập) cũng biết tin mộ em trai và người ông bị phá hủy nặng nề. Một người anh em khác tìm kiếm khắp nghĩa trang Beit Lahia nhưng không thấy.
Luật pháp quốc tế xem nghĩa trang là đối tượng dân sự cần được bảo vệ đặc biệt. Chuyên gia luật Janina Dill (Đại học Oxford) cho biết: “Tính chất dân sự của nghĩa trang vẫn nguyên vẹn ở mức độ nào đó. Vì vậy ai đó muốn tấn công nơi này vẫn phải cân nhắc đến hình thức sử dụng dân sự của các ngôi mộ và ý nghĩa dân sự của nghĩa trang, đồng thời cần giảm thiểu thiệt hại với chức năng dân sự mà nghĩa trang đang có”.
Việc phá hủy nghĩa trang nằm trong số cáo buộc mà Nam Phi kiện Israel lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ). Phía Israel phủ nhận nhưng chuyên gia Dill nhận định loạt bằng chứng hiện tại chống lại nước này.
Trái ngược với cảnh tượng ở loạt nghĩa trang của người Palestine, CNN ghi nhận nghĩa trang chôn cất binh sĩ Anh và Úc tử trận trong hai thế chiến nằm phía đông Gaza City cùng nghĩa trang chôn cất binh sĩ Do Thái và người theo đạo Thiên chúa ở miền trung Dải Gaza vẫn nguyên vẹn. Binh sĩ IDF thậm chí còn chụp ảnh bên mộ người lính Do Thái được chôn cất, xe tăng dừng bên ngoài nghĩa trang chứ không tiến vào.
Theo luật sư nhân quyền Muna Haddad, phân biệt đối xử người chết là trái với luật pháp quốc tế.