ISS lệch quỹ đạo sau khi kết nối modul mới của Nga
Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) bay lệch quỹ đạo 45 độ sau khi kết nối thành công với module phòng thí nghiệm Nauka của Nga do một sự cố kĩ thuật.
Hơn một tuần sau khi được phóng lên từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan bởi tên lửa đẩy Proton-M, modul phòng thí nghiệm Nauka của Nga tối 29/7 (giờ Moscow) đã tiếp cận và kết nối thành công với ISS để thay thế module Pirs sau 20 năm hoạt động, theo TASS.
Tuy nhiên, do một chút nhiên liệu còn sót lại trên modul Nauka, động cơ đẩy điều hướng của modul đã bất ngờ bị kích hoạt, khiến cả cụm trạm ISS xoay lệch quỹ đạo thông thường 45 độ, theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Vị trí của ISS rất quan trọng cho việc lấy năng lượng từ các tấm pin Mặt trời hay liên lạc với Trái đất. Sau khoảng 45 phút, ISS được đưa về đúng vị trí cần thiết. Các nhà khoa học NASA gọi nỗ lực đảm bảo quỹ đạo cho ISS như thể tham gia một trò chơi kéo co đông người.
"Các động cơ đẩy trên Nauka không còn thổi nữa, chúng tôi đã kiểm soát được tình trạng và duy trì tốc độ ổn định", một thành viên NASA nói, cho biết thêm cả ISS và các phi hành gia đều an toàn sau sự cố.
Theo TASS, modul Nauka là thành tố quan trọng của ISS trong thời gian tới. Ngoài việc phục vụ chương trình nghiên cứu, thí nghiệm ứng dụng của Nga, modul này còn cung cấp thêm một nhà vệ sinh, nơi lưu trữ hàng hóa, thiết bị tái tạo nước và oxy cho phi hành đoàn.
Trong khi đó, ISS là dự án có sự hợp tác của Nga, Mỹ, châu Âu, Canada, Nhật Bản nhưng vai trò chính thuộc về Nga và Mỹ. Bộ phận đầu tiên của ISS được đưa lên vũ trụ năm 1998. ISS ban đầu dự kiến được "nghỉ hưu" vào năm 2020 nhưng đã được kéo dài đến 2024.
Hồi tháng 4, Nga thông báo sẽ rút khỏi dự án ISS từ năm 2025 và sẽ tự mình xây dựng một trạm không gian mới trên quỹ đạo. Hồi tháng 3, Nga kí một thỏa thuận với Trung Quốc nhằm xây dựng một tổ hợp trạm nghiên cứu mới trên quỹ đạo và bề mặt Mặt trăng.