Ít biến động lao động đầu năm
Những năm gần đây, tình hình lao động trở lại làm việc trong các doanh nghiệp (DN) thời điểm sau Tết Nguyên đán khá ổn định.
Đây là tín hiệu đáng mừng, tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời cho thấy các DN ngày càng quan tâm, chăm lo đến đời sống người lao động (NLĐ). Hiện, nhiều DN do mở rộng sản xuất vẫn tuyển thêm lao động mới để đáp ứng các đơn hàng đã ký với đối tác trước đó.
* Ổn định sản xuất
Gần 1 tháng hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, gần 1,4 ngàn lao động tại Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2) đã bắt nhịp công việc, ổn định sản xuất. Phó tổng giám đốc công ty Mao Sheng Liu cho hay, năm nay tỷ lệ công nhân trở lại làm việc sau Tết khá cao đã giúp DN ổn định sản xuất, kinh doanh trong tháng đầu năm. Đa phần công nhân tận tâm làm việc và tự giác, trách nhiệm ở từng bộ phận được giao. Để đảm bảo sức khỏe cho NLĐ, giúp công nhân yên tâm làm việc, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, DN đã tổ chức phát khẩu trang miễn phí, đo thân nhiệt hằng ngày cho NLĐ trước khi vào làm việc.
Anh Huỳnh Bá Thanh, công nhân bậc cao làm việc tại công ty cho hay, hiện nay thu nhập hằng tháng của anh tại DN khá ổn định (trung bình khoảng 9 triệu đồng/tháng). Nếu chi tiêu tiết kiệm, anh cũng đủ lo cho cuộc sống gia đình. Ngoài ra, công ty còn bảo đảm mọi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, lương, thưởng... nên anh không có ý định chuyển công tác ở các DN khác mà quyết định gắn bó với DN.
Trong khi đó, công nhân Nguyễn Văn Hinh, làm việc tại Công ty hữu hạn cơ khí động lực Toàn Cầu (huyện Trảng Bom), DN chuyên sản xuất cơ khí với số lượng hơn 1 ngàn lao động cho biết, gần 1 tháng đi làm lại sau khi nghỉ Tết, anh thấy phấn khởi hơn vì DN dồi dào đơn hàng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho NLĐ.
“Trước đây tôi làm việc cho một công ty điện tử nhưng do chế độ cho NLĐ không đảm bảo nên tôi “nhảy” qua nhiều DN khác để thử sức. Từ khi vào DN này làm việc, tôi thấy mình năng động, tay nghề vững vàng hơn. Tôi vẫn thường khuyên các đồng nghiệp với môi trường thân thiện và phúc lợi tại DN nên phấn đấu làm việc, tăng thu nhập chứ không nên “đứng núi này trông núi nọ” ảnh hưởng đến thu nhập”- anh Hinh chia sẻ.
* Thêm chính sách mới
Cách nay vài năm, nhiều DN đã phải “đau đầu” tìm phương án để giữ chân và thu hút lao động bởi tỷ lệ NLĐ nghỉ việc khá cao dịp đầu năm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh và các chỉ tiêu, kế hoạch hoạt động trong năm. Trong khi đó, NLĐ lại có nhiều sự lựa chọn, lại có tâm lý đợi công ty nào trả lương cao hơn nơi mình đang làm thì “nhảy việc”.
Trước thực trạng trên, những năm gần đây các DN đã dần cải thiện phúc lợi, tăng lương cao hơn so với luật quy định và có chế độ khen thưởng trong sản xuất. Đặc biệt, thường xuyên đổi mới các hình thức, các phong trào thi đua trong công nhân nên đã thu hút và “giữ chân” được nguồn nhân lực chủ chốt tại DN.
Anh Nguyễn Văn Tiếp, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty hữu hạn cơ khí động lực Toàn Cầu cho hay, xác định NLĐ là tài sản vốn quý, việc chăm lo đời sống NLĐ được công ty đặt lên hàng đầu. Công ty đã tạo môi trường làm việc thân thiện; mức lương trung bình của công nhân đạt từ 7 triệu đồng/người/tháng; chất lượng bữa ăn giữa ca cho công nhân được nâng cao. Ngoài ra, DN tổ chức khen thưởng công nhân làm vượt chỉ tiêu sản phẩm, thưởng nóng cho NLĐ đề xuất cải tiến, cải thiện điều kiện làm việc.
Cũng theo anh Tiếp, trong năm nay, nguồn hàng của công ty khá ổn định nên NLĐ sẽ có việc làm đều đặn. Với sự gắn bó của NLĐ, DN có thể bảo đảm tốt các đơn đặt hàng từ các đối tác. Thời gian tới, để ghi nhận những cống hiến của NLĐ, Công đoàn và DN sẽ tiếp tục cải thiện nhiều chính sách tốt hơn để NLĐ cảm nhận nơi làm việc như một gia đình.
Chị Cao Thị Phượng Liên, nhân viên nhân sự tại Công ty TNHH Hoàng Gia G.M.T (huyện Trảng Bom) cho rằng, hiện việc tuyển dụng thêm lao động rất khó khăn, vì vậy các DN nên dành một phần lợi nhuận để chăm lo tốt cho NLĐ ngay từ khi mới tuyển dụng. Từ việc tạo môi trường làm việc tốt, đến việc hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà trọ, tiền xăng xe… góp phần chia sẻ khó khăn với NLĐ, giúp họ an tâm, gắn bó với DN. Đó cũng là cách để “giữ chân” NLĐ và tạo sự tin tưởng nơi NLĐ.
Theo ông Cao Duy Thái, Trưởng phòng Lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - thương binh và xã hội, cách nay vài năm, dịp đầu năm, một số DN thường bị thiếu hụt lao động do công nhân về quê không trở lại làm việc hoặc chuyển sang nơi khác làm việc. Tuy nhiên, những năm gần đây tình trạng này gần như không có. Hầu hết các DN đang tuyển dụng lao động do đơn hàng tồn đọng hoặc do mở rộng sản xuất. Ghi nhận tại các DN trên địa bàn tỉnh cho thấy, tình hình lao động trong tháng đầu năm không có nhiều biến động, trên 98% công nhân đã trở lại làm việc, gắn bó và cùng DN phát triển.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, đến thời điểm này, tình hình lao động trong các DN trên địa bàn tỉnh không có nhiều biến động cho thấy tổ chức Công đoàn và lãnh đạo các DN đã có những chính sách, chế độ hợp lý để “giữ chân” NLĐ. Bên cạnh đó, NLĐ đang dần có tác phong làm việc công nghiệp hơn, ý thức được việc càng gắn bó với DN lâu, càng được hưởng chế độ đãi ngộ cũng như có mức thu nhập cao, ổn định.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/congdoan/202002/it-bien-dong-lao-dong-dau-nam-2989657/