Ít nhất 1 năm nữa Việt Nam mới sản xuất được vaccine phòng COVID-19
Trả lời câu hỏi của một số đại biểu Quốc hội sáng 6/11 về tiến trình sản xuất vaccine phòng COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Nhanh nhất thì cuối năm 2021 hoặc đầu 2022, Việt Nam mới sản xuất được vaccine, còn mua vaccine trên thị trường thế giới vẫn còn khó khăn, vì đây là vấn đề nóng toàn cầu.
Theo đó, để sản xuất một vaccine thành công, thông thường phải mất từ 5 - 10 năm bởi quá trình nghiên cứu, vận hành vaccine phải trải qua rất nhiều giai đoạn thử nghiệm để kiểm tra hiệu ứng cũng như xem thuốc có bị tác dụng phụ hay không?
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ví von: "Bên ngoài đang sóng to gió lớn, bên trong đồng trũng chúng ta phải bao chặt".
Việt Nam đang kiểm soát chặt người nhập cảnh vào Việt Nam, không chỉ người nhập cảnh trái phép mà cả những chuyên gia, đối tượng lao động và học sinh, sinh viên. Hiện nay, Việt Nam đã đón 200.000 người nhập cảnh vào Việt Nam, gồm các chuyên gia, lao động nước ngoài vào Việt Nam để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong nước; học sinh sinh viên ở các nước có vùng dịch bệnh tăng cao. Giải pháp căn cơ để phòng chống dịch COVID-19, Việt Nam phải xác định sống chung an toàn với dịch. Giải pháp căn bản 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế).
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đang làm việc rất sát sao tại các cơ sở y tế, bệnh viện công lập, phòng khám, nhà dưỡng lão, cơ sở giáo dục, trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy công xưởng trong việc thực hiện, đảm bảo an toàn chống dịch. Việt Nam đã đưa lên bản đồ số những quy định tuân thủ chống COVID-19 để hàng triệu cơ sở như trên phải tự chấm điểm theo đúng hướng dẫn Bộ Y tế, mới được duy trì hoạt động.
Vậy dịch bệnh sẽ kéo dài đến bao giờ? Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Ít nhất phải đến cuối năm 2021".
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trên thế giới hiện có hơn 150 ứng viên vaccine phòng COVID-19, trong đó Việt Nam có 4 cơ sở nghiên cứu, hiện có 2 đơn vị được đánh giá là đi trước. Dự kiến cuối năm nay, vaccine bắt đầu được thử nghiệm giai đoạn 1 trên người.
Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh vaccine toàn cầu đã thành lập chương trình gồm 92 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, trong đó có Việt Nam, với tham vọng cung cấp vaccine giá rẻ, trợ giá khoảng 2 USD/liều/người với hy vọng sẽ cung cấp cho 20% số người trên thế giới. Tuy nhiên hiện nay theo Phó Thủ tướng, chưa có công ty sản xuất vaccine nào cam kết bán vaccine cho Liên minh.
Việt Nam đang làm việc với các đối tác, kể cả Trung Quốc và Nga, về vaccine. Bộ Y tế đã có những bàn bạc cụ thể, nhưng việc mua vaccine sớm không hề dễ, vì nhu cầu cao hơn năng lực sản xuất và chưa có gì chắc chắn.
Chính phủ muốn mua phải đặt cọc trước, rủi ro rất cao. "Vì vậy, giải pháp căn cơ nhất của Việt Nam vẫn là tiếp tục các giải pháp phòng dịch và chung sống an toàn với dịch", Phó Thủ tướng Vũ Đức nói; đồng thời bày tỏ sự tha thiết đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương không chủ quan. Tất cả các cơ sở, từng người dân phải chủ động chống dịch.