Ít nhất 2-5% nhân tài làm lãnh đạo, quản lý bộ ngành, địa phương
Từ 2026 - 2030, 100% các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm tỷ lệ tối thiểu từ 2-5% trở lên nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý.
Đó là một trong những mục tiêu được đặt ra trong dự thảo Chiến lược Quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài. Dự thảo này vừa được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến góp ý.
Không phân biệt người ngoài Đảng, người Việt Nam ở nước ngoài
Dự thảo đưa ra mục tiêu chung tăng cường thể chế hóa chính sách của Đảng, xác lập định hướng khung chính sách pháp luật làm nền tảng cho việc ban hành các văn bản về nhận diện nhân tài, cơ chế phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài. Cũng như việc xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định về công tác cán bộ.
Chiến lược cũng nhằm thu hút, trọng dụng nhân tài không phân biệt nhân tài là đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài, bảo đảm cơ hội bình đẳng cho nhân tài được cống hiến và đãi ngộ xứng đáng với kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Mục tiêu cụ thể chiến lước đề ra là từ năm 2021 đến năm 2025: 100% các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và triển khai thực hiện chính sách cụ thể thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với chiến lược này và tình hình thực tiễn.
Chính sách phải có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững như: chính trị và quản lý điều hành Nhà nước; khoa học, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số, cơ sở dữ liệu, tự động hóa…; giáo dục; y tế; công nghệ sinh học; văn hóa, thể thao…
Từ 2026 -2030, 100% các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2- 5% nhân tài trở lên trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10% đến 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.
Từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% nhân tài trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.
Có vào, có ra, có lên, có xuống
Dự thảo chiến lược cũng nêu rõ quan điểm thu hút, trọng dụng nhân tài. Trong đó xác định, đây là chiến lược cán bộ của Đảng, phải tuân thủ đường lối, chính sách cán bộ của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ.
Nhân tài là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển đất nước hùng cường; là tiềm lực và sức mạnh của quốc gia; là hạt nhân của nền kinh tế trí thức; là yếu tố then chốt của sự phát triển. Đội ngũ nhân tài phải tiêu biểu cho nền văn hóa và trí tuệ Việt Nam vừa có tài, vừa có đức, năng lực sáng tạo và khát khao cống hiến vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Việc thu hút, trọng dụng nhân tài vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên và lâu dài. Việc phát hiện, tiến cử nhân tài là quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi công dân, mọi cơ quan, tổ chức.
Thực hiện phương châm: “Kết nối với nhân tài của ngày mai từ những người có triển vọng tài năng của ngày hôm nay” và phương châm “Bốn tốt”: Đãi ngộ tốt - Cơ hội thăng tiến tốt - Môi trường làm việc tốt - Để sáng tạo tốt trong chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài.
Xây dựng chính sách nhân tài đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch. Có cơ chế đãi ngộ đặc biệt, tạo lập môi trường làm việc tốt; có chính sách khen thưởng và xử lý nghiêm những hành vi lạm dụng quyền lực để gây cản trở, trù dập nhân tài…
Việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài là khâu đột phá trong công tác cán bộ của cả hệ thống chính trị. Ưu tiên thực hiện với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc; với cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ.
Đồng thời, tập trung vào đối tượng cán bộ nguồn cấp chiến lược; chuyên gia, nhà quản lý giỏi; nhà khoa học đầu ngành, ưu tú, tiêu biểu; nhà khoa học trẻ tài năng, tài năng trẻ từ học sinh, sinh viên, thanh niên và một số cá nhân có thành tích tiêu biểu, vượt trội.
Việc thu hút, trọng dụng nhân tài theo hướng “có vào, có ra, có lên, có xuống” trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; trở thành việc bình thường trong công tác cán bộ, nhằm khuyến khích, tạo môi trường, cơ hội cho người có triển vọng tài năng và tài năng thực sự phát triển.
Dự thảo chiến lược cũng tiến tới hình thành và phát triển thị trường nhân tài trong nước và khai thác hiệu quả thị trường nhân tài quốc tế, chủ động tạo nguồn cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao, đủ khả năng và điều kiện giải quyết các nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Ba tiêu chí xác định nhân tài:
- Đáp ứng các tiêu chí về nhân tài được cụ thể hóa, phù hợp với thực tiễn ở ngành, lĩnh vực và từng thời điểm theo hướng gắn kết giữa phát hiện với thu hút, quy hoạch, bồi dưỡng phát triển tài năng. Trong đó, tập trung vào nhóm đối tượng cán bộ cấp chiến lược; lãnh đạo quản lý giỏi; nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia ưu tú, tiêu biểu; nhà khoa hoc trẻ tài năng.
- Các tiêu chuẩn chung của các nhóm cán bộ theo Nghị quyết số 26 Trung ương 7 khóa XII và tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định pháp luật về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và nghiệp vụ trong cơ quan, đơn vị. Tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức, viên chức là người có tài năng được xác định theo hướng dựa trên sản phẩm, kết quả thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao; trình độ, năng lực đặc biệt, vượt trội; phẩm chất, ý chí thể hiện qua sức sáng tạo, niềm tin, khát vọng được cống hiến, đóng góp cho xã hội.
- Ứng dụng bộ công cụ đo lường theo các chỉ số IQ (Intelligence Quotient - chỉ số thông minh), EQ (Emotional Quotient - chỉ số cảm xúc), SQ (Social Quotient - chỉ số thông minh xã hội), CQ (Creative Intelligence - chỉ số thông minh sáng tạo), PC (Passion Quotient - chỉ số say mê), MQ (Moral Quotient - chỉ số đạo đức) và các chỉ số khác trong xác định nhân tài.