Ít nhất 57.000 người vẫn mắc kẹt ngoài đại dương vì dịch bệnh

Tính đến ngày 5/5, ít nhất 57.000 thuyền viên của các tàu du lịch vẫn lênh đênh trên biển, chưa rõ ngày họ được trở về đất liền.

“Tôi hy vọng mình không bị lãng quên. Nhưng có vẻ không ai quan tâm đến chúng tôi”, anh MaShawn Morton, một nhân viên làm việc trên tàu Sky Princess, chia sẻ với CNN.

Tính đến ngày 5/5, lực lượng Tuần duyên Mỹ cho biết hơn 57.000 thuyền viên trên 74 tàu du lịch vẫn mắc kẹt ở nhiều vùng biển tại các cảng của Mỹ, quần đảo Bahamas và vùng Caribbean. Số liệu này chưa bao gồm phần còn lại của thế giới.

Các tàu du lịch đều không còn hành khách trong khi công tác kiểm dịch đã hoàn thành. Song thủ tục rườm rà của chính quyền địa phương khiến hàng chục nghìn thủy thủ vẫn chưa được phép trở về.

Ngày trở về vẫn còn xa

Theo quy định của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), thủy thủ đoàn ở các tàu trên vùng biển Mỹ chỉ được phép rời tàu bằng máy bay chuyên dụng hoặc phương tiện cá nhân.

CDC sẽ xét duyệt từng thuyền viên không nhiễm Covid-19 trước khi cho phép họ rời tàu. Đơn vị này cũng yêu cầu các tàu du lịch phải được “chứng nhận miễn nhiễm Covid-19”.

 Hình ảnh thân quen với hàng chục nghìn thuyền viên vẫn còn mắc kẹt trên biển. Ảnh: CNN.

Hình ảnh thân quen với hàng chục nghìn thuyền viên vẫn còn mắc kẹt trên biển. Ảnh: CNN.

Thời gian phê duyệt sẽ kéo dài nếu phát hiện trường hợp vi phạm những quy định trên, CNN dẫn thông tin từ nhiều thủy thủ. Con đường về nhà của họ còn khó khăn hơn trong bối cảnh Mỹ đang thực hiện nhiều lệnh hạn chế, phong tỏa trên đất liền.

Kỹ thuật viên Alex Adkins của tàu Freedom of the Seas cho biết ông chờ đợi ngày trở về từ hồi giữa tháng 3, thời điểm toàn bộ hành khách xuống tàu ở Miami.

“Kể từ đó, con tàu vẫn trôi nổi gần bờ biển Barbados”, ông Adkins chia sẻ.

Trong tuần đầu tiên, thủy thủ đoàn của Freedom of the Seas vui vẻ tận hưởng những tiện ích vốn chỉ dành riêng cho hành khách. Sau đó, họ buộc phải tự cách ly theo quy định trong vòng 2 tuần, CNN dẫn thông tin từ ông Adkins.

Các nhân viên của tàu được thông báo không cần phải làm việc và nhận lương đến hết tháng 4. Theo ông Adkins, thủ tục về đất liền liên tục bị trì hoãn do cơ quan chủ quản Royal Caribbean không kịp đăng ký với CDC.

Hiệp hội Cruise Lines (CLIA), đơn vị giám sát phần lớn tàu du lịch trên thế giới, cho biết họ đang “làm việc hết sức với CDC để hồi hương các thủy thủ trong thời gian sớm nhất”. Dù vậy, đại diện của CLIA nhận định tình hình hiện “khá phức tạp và thay đổi từng ngày”.

Phương án về bờ

Anh MaShawn Morton, thủy thủ trên tàu Sky Princess chia sẻ: “Khi hành khách xuống tàu, chúng tôi không có dấu hiệu nhiễm bệnh và vẫn được trả lương”. Anh Morton khá bất ngờ khi công ty chủ quản vẫn có khả năng trả lương cho nhân viên trong giai đoạn này.

 MaShawn Morton là một thủy thủ làm việc trên tàu Sky Princess. Ảnh: CNN.

MaShawn Morton là một thủy thủ làm việc trên tàu Sky Princess. Ảnh: CNN.

Cũng theo anh Morton, sau khi trải qua thời gian tự cách ly, thủy thủ đoàn được chia thành nhiều nhóm quốc tịch và chuyển sang các tàu khác nhau. Những tàu này sẽ trực tiếp đưa họ về quê hương. Đây là một giải pháp khắc phục được nhiều vấn đề thủ tục của CDC.

Dù vậy, nhiều người không đồng tình với phương án trên. Hồi hương thủy thủ bằng đường biển sẽ mất nhiều thời gian và ẩn chứa nguy cơ lây nhiễm chéo.

“Tàu của tôi hiện không có người nhiễm bệnh. Chuyển sang một tàu mới là quyết định đầy rủi ro”, anh Morton cho hay. Morton cùng các đồng nghiệp người Mỹ chuyển từ tàu Sky Princess sang tàu Emerald Princess vào ngày 25/4.

Theo anh Morton, nhóm thuyền viên người Mỹ sẽ tiếp tục bị chuyển sang Coral Princess, con tàu từng ghi nhận vài ca nhiễm Covid-19. “Tôi hy vọng CDC cho chúng tôi cập bến trước khi điều này xảy ra”.

Cuộc sống trên biển

Trong thời gian đợi chờ ngày trở về, anh Morton buộc phải thay đổi thói quen sinh hoạt: “Mỗi ngày trôi qua với 2 lần kiểm tra nhiệt độ cơ thể, các suất ăn phát riêng và hàng loạt quy định giãn cách xã hội”.

Ở phía bên kia địa cầu thuộc vùng biển Philippines, diễn viên người Australia, Drew Fairley, cũng đang mắc kẹt trên con tàu Pacific Explorer. Tận dụng thời gian rảnh rỗi, anh Fairley sản xuất loạt chương trình thực tế về cuộc sống “bất đắc dĩ” ngoài đại dương.

 Diễn viên người Australia, Drew Fairley, cũng đang mắc kẹt ở vùng biển Philippines. Ảnh: CNN.

Diễn viên người Australia, Drew Fairley, cũng đang mắc kẹt ở vùng biển Philippines. Ảnh: CNN.

Những đoạn phim của Fairley thu hút người xem trên toàn thế giới. Với cách tiếp cận hài hước nhưng không kém phần chân thực, dự án này có mục đích giúp đỡ mọi người cùng vượt qua giai đoạn cách ly.

Fairley hào hứng chia sẻ: “Phản ứng rất tích cực. Tôi nghĩ ai cũng cần chút niềm vui trong giai đoạn căng thẳng này mà”.

Trong khi Drew Fairley tin chắc mình sẽ được về nhà, thủy thủ MaShawn Morton không khỏi trăn trở khi nghe tin tiểu bang Floria không cho nhân viên tàu du lịch nhập cảnh.

“Tôi cảm thấy các du thuyền đang bị phân biệt đối xử. Trên thực tế, thuyền viên bị kiểm dịch gắt gao hơn 1 tháng nay. Chúng tôi hoàn toàn khỏe mạnh”, anh Morton cho biết.

Anh Morton không muốn thế giới lãng quên hàng chục nghìn người vẫn còn lênh đênh trên biển: “Các chính phủ đừng nói rằng tất cả tàu du lịch và thuyền viên đều đã trở về nhà. Viễn cảnh ấy vẫn còn xa lắm”.

Uyên Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/it-nhat-57000-nguoi-van-mac-ket-ngoai-dai-duong-vi-dich-benh-post1082421.html