Italy lập kỷ lục mới ở châu Âu về lượng mưa trong 12 giờ
Lượng mưa lớn chưa từng có trong tuần này ở một khu vực tại Italy đã phá vỡ kỷ lục ở châu Âu.
Theo kênh CNN, ngày 4/10, một loạt cơn bão đã ập vào miền tây bắc Italy, trút xuống lượng mưa chưa từng thấy ở châu Âu. Tỉnh Genoa của Italy đã trở thành nơi hứng nhiều mưa nhất trong thời gian gần đây.
Trước đó, từ ngày 3 đến 4/10, thành phố Rossiglione, cách tây nam Milan 100km về phía tây nam đã ghi nhận lượng mưa 925mm.
925mm là lượng mưa tương đương lượng mưa trung bình cả năm ở Seattle, Mỹ. Thủ đô London của Anh sẽ mất trung bình 15 tháng mới tích đủ lượng mưa đó.
Hàng chục người đã được giải cứu sau khi có thông tin về lở đất và ngập lụt trong khu vực bị ảnh hưởng ở Italy, khiến một cây cầu bị sập ở thành phố Quiliano.
Thời tiết mưa không phải là điều bất thường ở khu vực này tại Italy – nơi có lượng mưa trung bình 1.200mm/năm. Tuy nhiên, theo nhà khí tượng học và chuyên gia thời tiết cực đoan Maximiliano Herrera, lượng mưa 742 mm ở Rossiglione tại tỉnh Genoa trong 12 giờ là kỷ lục châu Âu.
Trong thành phố Cairo Montenotte gần đó, các kỷ lục thời tiết cũng đã được ghi nhận ngày 4/10. Nơi này có lượng mưa 500mm trong 6 giờ, lập kỷ lục ở Italy.
Về phía đông, lượng mưa lớn 180mm trong 1 giờ cũng làm ngập lụt thành phố Vicomorasso gần đó.
Do biến đổi khí hậu, nhiều nơi khắp thế giới cũng có lượng mưa bất thường.
Ví dụ như ở Oman, chưa đầy hai ngày trước đó, cơn lốc xoáy Shaheen đã trút mưa xuống vùng cực bắc Oman, khiến thành phố Al Khaburah thường nóng nắng nay lại hứng lượng mưa 300mm trong vài giờ. Trong gần 24 giờ, thành phố này hứng lượng mưa tương đương hơn 3 năm. Ở thành phố Suwaiq gần đó, lượng mưa bằng cả năm đã trút xuống trong 6 tiếng.
Tại Mỹ, hồi tháng 8, thành phố McEwe ở bang Tennessee cũng phá kỷ lục bang khi ghi nhận lượng mưa 432mm trong 24 giờ. Trước đó, tàn dư của bão Ida đã khiến mưa trút xuống khắp miền đông bắc, khiến lượng mưa từ New Jersey tới New England đều lập kỷ lục.
Tại miền trung Trung Quốc hồi tháng 7, mưa lũ bất thường đã khiến trên 300 người chết.
Lũ lụt chết người cũng xảy ra khắp vùng Tây Âu hồi tháng 7. Lượng mưa bằng vài tháng đã trút xuống trong vài giờ, biến đường phố Bỉ và Đức thành sông.
Theo các nhà khoa học, lượng mưa cực đoan như trên đang ngày càng trở nên phổ biến vì tình trạng ấm lên toàn cầu do con người gây ra. Theo báo cáo của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ các sự kiện giáng thủy (nước thoát ra khỏi những đám mây dưới các dạng lỏng và dạng rắn) tăng lên ở hầu hết khu vực từ những năm 1950.
Số cơn mưa dông mạnh cũng tăng đáng kể khắp thế giới. Khi nhiệt độ toàn cầu tăng, các sự kiện giáng thủy cực đoan sẽ trút xuống nhiều nước hơn. Báo cáo của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu nhấn mạnh rằng nhiệt độ không khí cứ tăng lên 1 độ C thì khí quyển có thể tích trữ hơi nước bốc hơi nhiều hơn 7%.