Italy nâng tầm cà phê espresso với hồ sơ di sản UNESCO
Italy đang đệ trình hồ sơ di sản UNESCO đối với cà phê espresso.
Một ly cà phê đậm, mượt như nhung không chỉ đơn thuần là một loại cà phê uống nhanh. Đối với người Italy, cà phê espresso là một nghi lễ văn hóa và xã hội được đánh giá cao và đất nước này cũng coi đây là một di sản quốc gia xứng đáng được UNESCO công nhận.
Người Italy pha khoảng 30 triệu ly cà phê espresso mỗi ngày. Trên khắp đất nước, từ Venice đến Sicily, cà phê espresso được pha trong cốc sứ hoặc ly nhỏ, có hoặc không có sữa. Mỗi cốc cà phê là một cử chỉ của tình bạn.
Massimiliano Rosati, chủ quán cà phê Gambrinus ở Naples, thông tin với AFP: "Cà phê espresso là một phương tiện để gửi lời tới một người mà bạn quan tâm. Họ thưởng thức cà phê mỗi ngày, bất cứ giờ nào. Đó là một khoảnh khắc được chia sẻ, một khoảnh khắc kỳ diệu".
Theo Viện Espresso Italy, một tách cà phê thành công là khi cà phê espresso phải có hương vị "tròn trịa, đậm đà và mịn như nhung" và "bọt cà phê có màu từ nâu hạt dẻ đến nâu sẫm, được đặc trưng bởi ánh nâu".
Viện Espresso Italy, được thành lập vào năm 1998 để giữ gìn bản sắc cà phê espresso, cho biết cà phê phải giữ hương thơm lâu với đủ vị của "hương hoa, trái cây, bánh mì nướng và sô cô la".
Hồ sơ đề nghị xét cà phê espresso của Italy trở thành di sản đã được Bộ Nông nghiệp nước này gửi tới ủy ban UNESCO quốc gia của Italy. Ủy ban này phải đệ trình lên trụ sở của UNESCO ở Paris trước ngày 31 tháng 3.
Italy tự hào về một loạt các phong tục và truyền thống sinh sống trong danh sách di sản, từ săn nấm cục đến nghệ thuật làm bánh pizza Neapolitan, chế độ ăn theo kiểu Địa Trung Hải hay nghề thủ công làm vĩ cầm truyền thống ở Cremona, nơi sinh của nghệ nhân làm đàn nổi tiếng người Italy Antonio Stradivari.
Uống một ly cà phê espresso "là một điều gì đó thiêng liêng", giáo viên về hưu Annamaria Conte, 70 tuổi, cho biết khi bà bước vào quán cà phê Gambrinus gần bờ biển ở Naples.
Một số người thích dùng thêm bánh su kem, bánh pizza nhỏ hoặc bánh bột chiên cùng cà phê espresso và trò chuyện giữa các bữa ăn.
Rosati, chủ sở hữu phê Gambrinus nói: "Có một phong tục vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay ở một số vùng của Naples, đó là khi bạn đến thăm ai đó, bạn không mang theo bánh hay hoa mà bạn mang theo đường và cà phê."