ITU: Chi phí dịch vụ Internet giảm nhẹ trên toàn cầu vào năm 2022
Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế, giá trung bình toàn cầu của các dịch vụ băng thông rộng di động giảm từ 1,9% xuống còn 1,5% tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người.
Đánh giá tổng quan hàng năm trên toàn thế giới về tình trạng kết nối kỹ thuật số của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) được công bố ngày 30/11 cho thấy chi phí dịch vụ Internet đã giảm nhẹ trên toàn cầu vào năm 2022.
Giá trung bình toàn cầu của các dịch vụ băng thông rộng di động giảm từ 1,9% xuống còn 1,5% tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người.
Internet đã trở nên hợp túi tiền hơn ở tất cả các khu vực trên thế giới và trong tất cả các nhóm thu nhập, dựa trên đánh giá của ITU, cơ quan chuyên môn về công nghệ thông tin và truyền thông của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, chi phí vẫn là một trở ngại lớn đối với việc truy cập Internet, đặc biệt là ở các nền kinh tế có thu nhập thấp. Tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay - với lạm phát cao, lãi suất tăng và sự không chắc chắn sâu sắc - có thể làm tăng thêm thách thức trong việc mở rộng phạm vi tiếp cận Internet ở các khu vực có thu nhập thấp.
Tổng thư ký ITU Houlin Zhao cho biết Internet có thể phải chăng hơn về tổng thể, nhưng đối với hàng tỷ người trên thế giới, nó vẫn nằm ngoài tầm với hơn bao giờ hết.
Đầu năm nay, ITU đã báo cáo rằng 2,7 tỷ người - khoảng một phần ba dân số toàn cầu - vẫn chưa được kết nối với Internet. Con số này là một sự cải thiện so với năm 2021 nhưng cho thấy sự chững lại do kết nối mạnh mẽ đạt được trong thời kỳ bắt đầu và đỉnh điểm của đại dịch COVID-19.
Mặc dù phụ nữ chiếm gần một nửa dân số thế giới, nhưng có ít hơn 259 triệu phụ nữ truy cập Internet so với nam giới. Chỉ có 63% phụ nữ sử dụng Internet vào năm 2022 so với 69% nam giới, theo Dữ liệu và Số liệu năm 2022. Khoảng cách giới thậm chí còn đáng lo ngại hơn ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn, trong đó 21% phụ nữ sử dụng Internet so với 32% nam giới, một con số không được cải thiện kể từ năm 2019.
Gần 3/4 dân số toàn cầu từ 10 tuổi trở lên hiện sở hữu điện thoại di động. Thanh niên từ 15-24 tuổi là động lực của kết nối, với 75% thanh niên trên toàn thế giới hiện có thể sử dụng Internet.
Đầu năm nay, ITU và Văn phòng Đặc phái viên về Công nghệ của Tổng thư ký LHQ đã công bố các mục tiêu đầy tham vọng về kết nối kỹ thuật số phổ quát và có ý nghĩa sẽ đạt được vào năm 2030./.