ITU Digital World 2020: Vai trò của công nghệ số trong và sau đại dịch COVID-19

Hội nghị Bộ trưởng phiên thứ nhất thảo luận về 'Vai trò của công nghệ số trong và sau đại dịch COVID-19' và khám phá tầm quan trọng của kết nối số trong các chiến lược phục hồi kinh tế quốc gia.

Hội nghị Bộ trưởng phiên thứ nhất thảo luận về Vai trò của công nghệ số trong và sau đại dịch COVID-19. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Hội nghị Bộ trưởng phiên thứ nhất thảo luận về Vai trò của công nghệ số trong và sau đại dịch COVID-19. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Sau phiên khai mạc Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2020 (ITU Digital World 2020), Hội nghị Bộ trưởng phiên thứ nhất đã diễn ra tối 20/10, thảo luận về “Vai trò của công nghệ số trong và sau đại dịch COVID-19” và khám phá tầm quan trọng của kết nối số trong các chiến lược phục hồi kinh tế quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao vai trò của công nghệ thông tin truyền thông (ICT) trong việc duy trì các hoạt động kinh tế-xã hội, giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu.

Thứ trưởng Tin học và Truyền thông Cuba Wilfredo Gozalez Vidal cho rằng đại dịch COVID-19 đã đặt ra những thách thức, đe dọa đến sự phát triển kinh tế trên toàn cầu, do đó cần sự đoàn kết quốc tế để giảm thiểu tác động của đại dịch và nâng cao năng lực ứng phó. ICT là động lực phát triển kinh tế-xã hội của thế giới và Cuba. Cuba đã thúc đẩy sự phát triển của các nền tảng trực tuyến, nâng cao kỹ năng tiếp cận dịch vụ, đầu tư ngân sách vào công nghệ thông tin, tạo sự tiếp cận công bằng cho mọi người, giảm thiểu tác động của đại dịch.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Truyền thông Phần Lan Pilvi Torsti đánh giá công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục hậu quả của đại dịch. Tại Phần Lan, chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó với đại dịch, giải quyết những tác động và đề ra các giải pháp phục hồi nền kinh tế, xây dựng cơ chế pháp lý, xây dựng các công cụ để duy trì các hoạt động kinh doanh theo giai đoạn. Phần Lan đã nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, ban hành các chính sách nhằm xây dựng xã hội số hóa, để vừa phát triển kinh tế vừa ứng phó với đại dịch.

Bộ trưởng phiên thứ nhất thảo luận về Vai trò của công nghệ số trong và sau đại dịch COVID-19. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Bộ trưởng phiên thứ nhất thảo luận về Vai trò của công nghệ số trong và sau đại dịch COVID-19. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Quốc vụ khanh Bộ Phát triển Kinh tế Italy Mirella Liuzzi cho biết công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong đại dịch COVID-19, khi tăng cường sự kết nối trong công việc và giải trí.

Thời điểm đại dịch bùng phát, Chính phủ Italy đã củng cố dịch vụ viễn thông, tăng cường đào tạo từ xa, tiếp cận nhiều hơn với trẻ em và người khuyết tật. Công nghệ thông tin là công cụ để vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch, đặc biệt phải kể đến trí tuệ nhân tạo.

Chính phủ Italy sẽ triển khai dịch vụ số, coi đây là một công cụ để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, việc tiếp cận công nghệ số ở nông thôn còn hạn chế và Italy cần phát triển hạ tầng để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị.

Chủ tịch kiêm Tổng thư ký điều hành Ủy ban viễn thông Jordan Ghazi Al-Jobor thừa nhận ICT có vai trò quan trọng trong ứng phó với đại dịch COVID-19, nên nước này cần triển khai các hoạt động kết nối Internet, cung cấp các dịch vụ số đến các vùng miền xa xôi. Chính phủ cần phân bổ nguồn lực, băng thông số cho cơ sở hạ tầng phát triển, cấp phép cho các đơn vị sáng chế để nâng cao hiệu quả của ICT. Tại nước này, 30% dân số đã tăng cường sử dụng dịch vụ kỹ thuật số. Các nhà mạng đã cung cấp cho người dân các gói dịch vụ, cho thấy sự hỗ trợ của ICT trong đời sống.

Chủ tịch Cơ quan ICT Mông Cổ, Battsengel Bolo-Erdene, cho rằng đại dịch COVID-19 đòi hỏi sự tiếp cận phổ quát ICT cho tất cả mọi người. Do vậy, Mông Cổ đã tích cực mở rộng các dịch vụ ICT cho mọi người dân ở thành thị và nông thôn. Số người sử dụng các thiết bị di động tại Mông Cổ đạt hơn 90%. Trong bối cảnh COVID-19, Chính phủ Mông Cổ đưa ra các biện pháp hỗ trợ như giảm thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ khối tư nhân để phục hồi và thích ứng tốt hơn đối với tình hình dịch. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các dịch vụ công tại nước này đã được thực hiện trên nền tảng trực tuyến. Trong thời gian tới, Mông Cổ sẽ mở rộng nền tảng chính phủ trực tuyến để vượt qua đại dịch. Hợp tác khu vực là cách thức để xử lý các vấn đề do đại dịch gây ra thông qua việc tăng cường quan hệ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm xử lý các vấn đề.
Tổng thư ký Cơ quan Phát triển Thông tin Truyền thông Singapore, Leong Keng Thai, cũng nhận định đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến người dân toàn cầu, khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nặng nề. Singapore đã phát triển các ứng dụng di động và cung cấp đến mọi người dân, cho bất kỳ ai cần một thiết bị kết nối di động để đảm bảo các hoạt động hàng ngày. Các công cụ trực tuyến được sử dụng để cung cấp các thông tin về dịch bệnh, đặc biệt các ca lây nhiễm bệnh mới. Chính phủ xây dựng các chính sách và nền tảng phục vụ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, và cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cải biến cách thức hoạt động để thích ứng và phát triển trong bối cảnh đại dịch. Đại dịch COVID-19 là cơ hội để thúc đẩy phát triển số hóa, để xây dựng môi trường an toàn hơn trong môi trường số hóa./.

Hằng Trần- Lê Minh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/itu-digital-world-2020-vai-tro-cua-cong-nghe-so-trong-va-sau-dai-dich-covid-19/175255.html