Japan - Đi và cảm nhận
Japan có gì lạ không em? Nhiều cái lạ nhiều cái hay mà xứ ta hổng có lắm. Từ từ em sẽ kể dài ngắn tùy quý dị thích ít hay nhiều nhé.
Sân bay Narita là sân bay quốc tế thuộc tỉnh Chiba nằm phía đông Tokyo. Điều lạ là khi giải phóng mặt bằng xảy ra tranh cãi nhiều người dân không chịu di dời. Trong đó có một khu vườn của một gia đình mà theo cụ ông "không muốn mất đi mảnh đất tiên tổ để lại nhiều đời”, ông kiên quyết bám trụ đến cùng, dù ban dự án đền bù rất nhiều tiền, tính tiền Việt Nam phải hàng trăm tỉ.
Cuối cùng nhà nước phải thiết kế cho sân bay vồng lên cao trùm hết bao nhiêu ha vườn nhà ông. Hàng năm sân bay phải trả gia đình ông một khoản tiền đền bù tương đối nhiều và cứ sáng ngày mồng một tết Chủ tịch tập đoàn khai thác sân bay đến quỳ trước cửa nhà "Chào ông, chúc ông một năm mới tốt lành. Xin lỗi, một năm qua chúng tôi đã làm phiền ông vì khói bụi và tiếng ồn. Chúng tôi luôn muốn ông đổi ý bán nhà cho công ty chúng tôi để chúng tôi xây dựng và hoàn thiện sân bay phục vụ nhân dân và thế giới".
Ông cụ vẫn không suy xuyển dù mấy chục năm qua năm nào cũng diễn ra đều đặn như vậy. Sao họ không mang máy ủi đến cưỡng chế gia đình ông nhỉ? Không! Người Nhật không như vậy, rất tôn trọng quyền con người.
Sân bay chỗ nào cũng rải thảm sàn, không ồn ào, lúc xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh sếp hải quan đứng hướng dẫn nhiệt tình, liên tục cúi chào, cười thân thiện. Họ quan niệm khách đến nhà phải đón tiếp chu đáo nồng hậu không hời hợt sao nhãng. Coi khách là thượng đế thực sự vì mình thực chất là mang tiền đến làm giầu cho nước họ cho nhân dân họ. Trong khi anh hàng xóm Trung Quốc nhà mình GDP đứng thứ hai thế giới mà cư xử chán cực!
Hôm qua đọc bài viết của một ông kể về chuyến đi du lịch TQ qua cửa khẩu Móng cái xếp hàng 4,5 tiếng để nhập cảnh vừa nóng vừa mỏi chân, vừa buồn đi WC mà không đi được. Nhà vệ sinh thì hôi thối bẩn thỉu không có người dọn.
Ông còn khuyên mọi người đi nhớ mang theo nước uống và đóng bỉm, đã thế còn bị coi thường rẻ rúng quát nạt, đập bàn, ném hộ chiếu nếu không may bị lỗi gì đấy.
Đọc xong mà khiếp vía bỏ luôn ý định, đi chỗ khác chơi cho lành. Tội gì phải hành xác.
Cái lạ là cùng châu Á mà văn hóa ứng xử rất khác do nền giáo dục mỗi nước một khác.
Ở Nhật trẻ con cấp 1 cấp 2 chỉ học kỉ luật, học đạo đức, học các môn nghệ thuật, học thể chất, thường xuyên đi trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên, chơi nhiều hơn học.
Luôn luôn được dậy " nước ta còn nghèo, không có tài nguyên, tất cả tài nguyên đất nước đang trông chờ những người ngồi tại đây là tất cả các bạn".
Lên cấp 3 mới học kiến thức. Bộ sách giáo khoa cấp phổ thông của Nhật được ông tổng thống Hàn Quốc áp dụng dùng thay thế bộ sách cũ để cải cách giáo dục. Mới hay ông Hàn cũng chịu khó học hỏi cái hay của ông láng giềng Nhật. Thảo nào ông Hàn Quốc cũng nhanh chóng thành con rồng châu Á sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Nể hai ông này ghê.
Trẻ con Nhật từ bé đã được dậy văn hóa xếp hàng, tự đi bộ, hoặc đi xe đạp đến trường. Bố mẹ còn bận đi làm, con tự túc. Người Nhật dậy con ý thức tự lập từ bé.
Học làm người trước khi học chữ. Rất hay!
Bữa sáng đầu tiên của tôi trên đất Nhật là hai nắm cơm hình tam giác bọc rong biển nhân cá hồi. Gạo dẻo như cơm nếp, vừa no vừa chất lượng, ăn ít mà nhiều calo. Ở nhà sáng ra thể dục xong chén ngay bát phở bò mà một tiếng sau đã đói.
Sân bay Narita là sân bay quốc tế, sân bay vận chuyển hàng hóa lớn thứ hai của Nhật lẽ ra phải ồn ào, náo nhiệt, phức tạp, tấp nập. Nhưng không, tự động hóa cùng ý thức người dân được giáo dục tốt nên sân bay một nước công nghiệp mà mọi việc rất nhẹ nhàng, từ tốn.
Chả thế người Nhật hay có câu cửa miệng "Cứ bình tĩnh không việc gì phải vội".
Cảm nhận: Họ đề cao sự yên tĩnh, giảm tiếng ồn ưu tiên hàng đầu. Họ chậm mà chắc.
Ra khỏi sân bay, chao ôi đường phố sạch thật, không hạt bụi, không còi xe, êm ru. Bầu trời xanh trong vắt, không khí dễ chịu như Đà Lạt. Mặc dù đang mùa hè nhưng nhiệt độ cao nhất 30 độ.
Xe ô tô rất nhiều, sạch, bóng nhoáng. Đa số xe nội địa như chiếc bao diêm di động. Vừa đi làm, đi chơi đi siêu thị mua đồ chất thoải mái tiện lợi như xe máy bên mình, dễ luồn lách.
Người Nhật coi xe hơi chỉ là phương tiện đi lại, không cần thiết phải đi xe sang, lãng phí. Hiếm lắm mới thấy một chiếc Lếch sợt.
Người Nhật rất tiết kiệm
Chúng tôi được phát mỗi người một túi đựng rác, cuối ngày nộp lại để bác lái xe phân loại rồi mang đến địa điểm tập kết. Một vỏ chai nước suối phân làm ba loại. Nắp nhựa, thân nhựa, và lô gô dán trên vỏ chai phải bóc hết. Rác mà cũng phân loại kĩ mới được đem đi đổ, nếu làm ẩu sẽ không được thu lượm bị trả về và phạt tiền.
Bác lái xe chừng hơn 60 tuổi. Làm từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối. Đúng giờ bác ý sẽ dừng xe mời đoàn cuốc bộ hoặc thuê ta xi về khách sạn. Nên hướng dẫn viên phải căn giờ thật chuẩn và luôn hò hét mấy bà già không la cà mua sắm hoặc chụp choẹt quá đà là phải thôi.
Nếu thương lượng thì 1 giờ làm ngoài giờ phải trả bác ý 10 nghìn YEN Nhật trị giá 1,7 triệu Đồng. Nhưng thường ít người đồng ý làm ngoài giờ. Họ không vì tiền mà lãng phí và làm thiệt hại sức khỏe. Hết giờ làm việc họ về nghỉ ngơi lấy lại năng lượng mai làm tiếp.
Người Nhật quý trọng thời gian. Họ đi làm chủ yếu bằng tầu điện ngầm. Có người di chuyển từ nhà đến chỗ làm từ tỉnh nọ sang tỉnh kia mất 2 tiếng đi 2 tiếng về.
Có câu chuyện một hôm tầu điện bị hỏng, bộ trưởng bộ giao thông vận tải Nhật phải lên ti vi xin lỗi toàn bộ người dân Nhật. Và họ phải gọi điện đến từng công ty để xin lỗi để nhân viên công ty hôm đó đến muộn không bị khiển trách và phạt tiền.
Trường hợp đi làm muộn không lí do sẽ bị cảnh cáo phạt tiền lần đầu, lần sau đuổi việc. Hồ sơ cá nhân được lưu trong phần mềm quản lý công dân. Nếu bạn đi xin việc qua ba công ty thì hồ sơ xin việc là hồ sơ xấu vì người Nhật đề cao sự trung thành. Trước em đọc một câu chuyện trên mạng kể về một thanh niên người Nhật bị mất việc về không dám nói với vợ.
Hàng ngày anh vẫn đóng bộ comle rồi đi xe điện đến một công viên ngồi hết ngày lại về. Cứ như thế hết tháng vợ anh ta không thấy lương về tài khoản để chi trả hóa đơn mới tra hỏi. Anh biết không thể giấu mãi được nhưng bế tắc hôm sau anh nhảy cầu tự tử.
Câu chuyện như vậy xẩy ra ở Nhật rất phổ biến. Do áp lực công việc, kỉ luật, lòng tự trọng cao nên nhiều người bế tắc, tỉ lệ tự tử cao nhất thế giới. Có nhiều cách tự tử ở Nhật nhưng một cách hay nhất, đặc biệt nhất mai em sẽ bật mí.
Chuyện Làng Quê
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/japan-di-va-cam-nhan-a19931.html