JICA: Cần giải ngân sớm một số dự án ODA tại Việt Nam

Sáng 17-10 tại Hà Nội, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức họp báo thường niên, chia sẻ về tình hình triển khai hoạt động ODA tại Việt Nam của JICA trong 6 tháng đầu năm tài chính 2019 (từ tháng 4 đến tháng 9-2019), những thách thức, vướng mắc trong quá trình triển khai và định hướng cho hoạt động của JICA Việt Nam trong 6 tháng cuối năm (từ tháng 10-2019 đến tháng 3-2020).

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Konaka Tetsuo-Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho biết, mặc dù nhiều dự án ODA mới về Hợp tác Kỹ thuật, Viện trợ không hoàn lại do JICA thực hiện đã được ký kết và đang triển khai thuận lợi, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết như: Một số dự án vốn vay ODA đã được ký kết từ năm 2018 vẫn chưa thể thực hiện; vấn đề chậm thanh toán trong các dự án đang triển khai…

Đây không chỉ là khó khăn đối với JICA và ODA Nhật Bản, mà là vấn đề chung của tất cả các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ song phương khác.

 Quang cảnh buổi họp báo.

Quang cảnh buổi họp báo.

Ông Konaka Tetsuo cho rằng: “Quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam đang tiếp tục phát triển hết sức thuận lợi. Kinh tế Việt Nam đang có những bước phát triển ổn định tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều thách thức. Trong đó là tình trạng nợ công, dẫn đến các dự án lớn chưa được triển khai thuận lợi là một vấn đề đáng quan ngại”.

Ông Konaka Tetsuo cũng khẳng định, cùng với những chuyển biến mạnh mẽ trong cục diện chính trị, kinh tế thế giới và bối cảnh Việt Nam tăng trưởng vượt trội, hỗ trợ ODA cũng cần phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Nổi bật là JICA đã và đang thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ mới như: Hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) trong “Chương trình chia sẻ kiến thức phát triển mô hình chăm sóc người cao tuổi”; tổ chức Hội thảo đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức Hợp tác công - tư (PPP), Hỗ trợ xây dựng chính phủ điện tử và củng cố an ninh mạng…

Theo vị đại diện JICA, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ thúc đẩy việc xây dựng Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội (SEDS) đến năm 2030; Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội (SEDP) đến năm 2025 và JICA sẽ chú trọng đến Dự án hỗ trợ các chiến lược dài hạn này. Hiện tại, trong nửa đầu năm 2019, JICA đã ký Biên bản Hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS); ký Biên bản Hợp tác ba bên với Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) và UBND tỉnh Nghệ An… Thông qua các hợp tác này, JICA sẽ hỗ trợ xây dựng kế hoạch ở cấp trung ương và địa phương, đồng thời tìm kiếm cơ hội xây dựng những dự án phù hợp.

Tại cuộc họp, đại diện JICA cho biết, từ tháng 4 đến tháng 9-2019, JICA đã triển khai 28 dự án vốn vay ODA, 33 dự án Hợp tác kỹ thuật, 4 dự án viện trợ không hoàn lại, 55 dự án chương trình đề xuất từ các doanh nghiệp Nhật Bản và 28 chương trình đối tác phát triển. Để kết nối với các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam, Viện Phát triển Nguồn nhân lực Việt Nam-Nhật Bản (VJCC) đã triển khai, đào tạo nguồn nhân lực kinh doanh dành cho đối tượng là người quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, hỗ trợ kinh doanh đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tổ chức các sự kiện trao đổi thương mại. Các khóa học đào tạo cho quản lý, lãnh đạo giúp doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp nhận các phương pháp kinh doanh Nhật Bản. Đây là phương thức quản lý dựa trên yếu tố con người, coi trọng khả năng đào tạo, cải cách tại chỗ; đồng thời lập ra kế hoạch dài hạn cho sự phát triển của công ty.

Tin, ảnh: ĐỖ PHƯƠNG THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/jica-can-giai-ngan-som-mot-so-du-an-oda-tai-viet-nam-597534