Johnathan Hạnh Nguyễn và 'gánh phở' Big Bowl kín tiếng có lợi nhuận khủng

Ngoài đế chế kinh doanh IPP Group, ông 'vua hàng hiệu' Johnathan Hạnh Nguyễn còn có 'con gà' đẻ trứng vàng mang tên Big Bowl với doanh thu nghìn tỷ mỗi năm.

Bài liên quan

'Đế chế' hàng hiệu của ông Jonathan Hạnh Nguyễn kinh doanh thế nào?

Nhắc đến "phở", hầu hết người Việt Nam đều coi đó là món ăn mang quốc hồn, quốc túy của Việt Nam. Phở dần không chỉ là một món ăn ngon mà còn trở thành “đại sứ ẩm thực”, góp phần vinh danh văn hóa của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, hầu hết ở Việt Nam, khác với các món ăn khác, phở thường chỉ được bán trong các hàng quán nhỏ lẻ hoặc mang tính gia truyền lâu đời. Mô hình các chuỗi kinh doanh phở vẫn còn khá ít và hoạt động tương đối khó khăn. Đặc biệt khi các thương hiệu từng ra mắt đình đám một thời như "Phở 24", "Phở Vuông" hay "Phở Ông Hùng" đều đang hoạt động thua lỗ hoặc đã đóng cửa.

Cái tên Phở 24 của doanh nhân Lý Quý Trung đã từng được định giá tới cả chục triệu USD, sau khi về tay ông lớn Việt Thái International cũng đang phải gánh lỗ qua từng năm. Riêng trong năm 2019, chuỗi nhà hàng phở vẫn ghi nhận mức lỗ kỷ lục 33 tỷ đồng.

Trong khi đó, dù khá âm thầm và kín tiếng nhưng Big Bowl lại là chuỗi cửa hàng phở ăn nên làm ra nhất hiện nay - dựa theo kết quả kinh doanh của Autogrill VFS F&B. Thậm chí đơn vị này còn đang sở hữu tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu lên tới 25%, cao hơn hẳn so với 10% của Golden Gate, một đơn vị cùng ngành.

Autogrill VFS F&B hay "gánh phở" Big Bowl còn là cái tên khá xa lạ nhưng ông chủ của hai thương hiệu này lại là một doanh nhân đình đám bậc nhất trong giới kinh doanh của Việt Nam hiện nay. Đây thực chất là một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành dịch vụ hàng không mà tập đoàn IPP Group của ông Johnathan Hạnh Nguyễn xây dựng từ nhiều năm nay.

Ban đầu, IPPG dự định đưa các chuỗi F&B nổi tiếng như Burger King, Popeyes… trong hệ thống của tập đoàn Autogrill về phục vụ tại các sân bay. Tuy nhiên sau đó, do nhận thấy nhu cầu của khách hàng quốc tế đối với các món ăn địa phương rất lớn, Autogrill VFS F&B đã quyết định xây dựng thêm các chuỗi cửa hàng thương hiệu độc quyền mang hơi hướng địa phương như Big Bowl (chuyên các món phở, bún), Saigon Café.Bar.Kitchen, HaNoi Café.Bar.Kitchen…

Cửa hàng Big Bowl tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: TL

Có lợi thế, khi ông chủ thương hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn sở hữu tới 45% cổ phần của Sasco - CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, Big Bowl được đặt ở những vị trí đắc địa tại các sảnh chờ cửa ra sân bay và có mức giá khá cao, từ 68.000 đến 88.000 đồng cho mỗi tô phở.
Không bất ngờ khi báo cáo kết quả kinh doanh của Big Bowl ghi nhận từ năm 2015 đến 2019, doanh thu của công ty đã tăng gấp đôi từ 500 tỷ đồng lên 1.158 tỷ đồng. Lợi nhuận cũng tăng từ 76 tỷ đồng lên 286 tỷ đồng.

Như vậy, trung bình mỗi ngày Big Bowl mang về lợi nhuận tới gần 800 triệu đồng. Tỉ suất lợi nhuận của Big Bowl đạt 25%, cao hơn rất nhiều so với các đơn vị kinh doanh cùng ngành hàng. Có thể lấy ví dụ như Golden Gate cũng chỉ đạt 10%.

So với chuỗi nhà hàng lớn nhất hiện nay là Golden Gate Group thì hiệu suất sinh lời của Autogrill VFS F&B còn vượt trội hơn nhiều. Biên lãi gộp của Golden Gate chỉ dao động ở mức 60% thì Autogrill VFS F&B lên đến hơn 80%.

Tuy vậy, trong năm 2020 do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, số lượng chuyến bay nội địa hay quốc tế bị hoãn, hủy khá nhiều thì kết quả kinh doanh của Autogrill VFS F&B chắc chắn sẽ còn gặp nhiều khó khăn và rủi ro.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/johnathan-hanh-nguyen-va-ganh-pho-big-bowl-kin-tieng-co-loi-nhuan-khung-post110935.html