Jordan Spieth: Mười năm sau hào quang The Master và câu chuyện về một huyền thoại golf dang dở

Mười năm kể từ ngày Jordan Spieth chinh phục Augusta National bằng những vòng đấu huyền thoại, cái tên ấy vẫn gợi lên nhiều cảm xúc khó gọi thành lời. Từ một tài năng từng được xem là 'truyền nhân của Tiger Wood', giờ đây anh trở thành biểu tượng cho những kỳ vọng chưa trọn vẹn.

Tên của Jordan Spieth không có trong lịch trình họp báo trước thềm The Masters năm nay - một sự vắng mặt đáng chú ý đối với một trong những gương mặt được yêu mến nhất của làng golf thế giới, người cách đây tròn 10 năm đã làm nên chiến thắng lịch sử tại Augusta khi mới 21 tuổi.

Nhưng sự vắng mặt của Spieth hoàn toàn không khó hiểu. Đã mười năm trôi qua kể từ bốn vòng đấu siêu việt tại Augusta, cái tên Jordan Spieth vẫn là “bí ẩn chưa có lời giải”. Suốt thời gian ấy, người hâm mộ vẫn cảm thấy bỡ ngỡ, không biết nên nói gì khi nhắc đến tên anh: một tượng đài đang hồi sinh, một “nghệ sĩ lạc thời”, hay một huyền thoại dang dở của lịch sử golf hiện đại.

Trong suốt thập kỷ qua, sự nghiệp của Jordan Spieth như một vòng lặp đầy kịch tính: thăng hoa chớp nhoáng, trượt dài trong bi kịch, rồi lặng lẽ trở lại từ bóng tối. Nổi bật nhất là giai đoạn bắt đầu từ "cuộc hồi sinh" tại Valero Texas Open 2021 - chiến thắng khép lại chuỗi 1.351 ngày khô hạn danh hiệu.

Sau chiến thắng này, Jordan Spieth tiếp tục mang đến những khoảnh khắc rực sáng: vị trí thứ ba tại The Masters 2021, ngôi á quân The Open Championship cùng năm, danh hiệu RBC Heritage 2022 và ba lần góp mặt trong đội hình tuyển Mỹ tại các giải đấu đồng đội danh giá. Những cột mốc như gợi lại hình bóng của một Spieth từng làm khuynh đảo thế giới golf.

Thế nhưng, ẩn sau chuỗi điểm sáng ấy là một thực tế mong manh: Jordan Spieth vẫn chưa thực sự trở lại với phong độ đỉnh cao, dù xét theo tiêu chuẩn của cá nhân anh hay theo những thước đo khắt khe mà làng golf hiện đại đặt ra.

Bằng chứng nằm ở bảng thành tích gần nhất: 9 kỳ major liên tiếp không lọt nổi vào top 20, một thống kê khó chấp nhận với một cái tên từng được kỳ vọng kế thừa ngai vàng của Tiger Woods. Trước thềm The Masters 2025, Spieth đứng thứ 68 trên bảng xếp hạng FedEx Cup và thứ 66 trên bảng xếp hạng golf thế giới (OWGR).

Những con số này không nói lên thất bại của Spieth, mà như một bản phác thảo chân thực về một tài năng golf đặc biệt, đang chênh vênh giữa lằn ranh mong manh của ánh hào quang chưa tắt, nhưng thành tích chưa đủ để thắp sáng lại chính mình.

Jordan Spieth vô địch The Masters 2015, US Open 2015 và The Open 2017.

Jordan Spieth vô địch The Masters 2015, US Open 2015 và The Open 2017.

Mỗi khi Jordan Spieth xuất hiện, người hâm mộ vẫn xao xuyến, mạng xã hội vẫn bùng nổ. Phong cách thi đấu độc nhất - nơi anh thường xuyên tự đẩy mình vào thế khó rồi hoặc thoát hiểm ngoạn mục, hoặc trượt dài trong bi kịch - vẫn đủ sức mê hoặc cả khán giả lẫn giới truyền thông. Sự ái mộ ấy chưa từng hết, dẫu phần lớn các giải đấu, Spieth không còn hiện diện trong nhóm ứng viên cạnh tranh danh hiệu.

Sự nghiệp của Spieth giờ đây giống như một chiếc xe đứng giữa lưng chừng dốc, không tiến cũng chẳng lùi, mà mắc kẹt trong trạng thái trì trệ đầy lạ lẫm. Nhưng đó mới chỉ là một lát cắt nhỏ trong bức tranh mang tên "bí ẩn Jordan Spieth", thậm chí đây còn là phần kém quan trọng nhất.

Sức hút thực sự của Spieth đến từ phong cách không thể trộn lẫn. Giữa một thế giới thể thao ngày càng được lập trình bằng những “công thức vô cảm”, Spieth mang đến làn gió hiếm hoi của sự chân thực. Khi phần lớn các golfer chuyên nghiệp thi đấu bằng “cái đầu lạnh”, Spieth lại như đang chơi thứ golf của… tất cả mọi người. Với anh, cảm xúc là không thể giấu giếm - chúng hiện rõ trên khuôn mặt, trong từng cử chỉ, nụ cười, cái lắc đầu, tiếng thở dài…

Người ta có thể nhìn thấy rõ niềm vui của Spieth qua nụ cười cong môi sau cú drive tốt, nỗi thất vọng hiện qua cái nhíu mày sau cú putt trượt, hay cả sự tan vỡ trong ánh mắt khi cơ hội trôi qua. Những cuộc đối thoại đầy cảm xúc với caddie Michael Greller - đôi khi như lời tâm sự, đôi khi như một lời thú nhận - luôn khiến người hâm mộ thấy đồng cảm.

Rất ít golfer có thể chạm tới chiều sâu ấy. Trong kỷ nguyên hậu Tiger Woods, có lẽ chỉ Rory McIlroy mới sở hữu sức hút mãnh liệt. Nhưng có một điều kỳ lạ, sức hút của Jordan Spieth vẫn tồn tại, bền bỉ và dai dẳng, ngay cả khi thứ từng tạo ra nó - phong độ áp đảo năm nào - đã dần phai nhạt.

Jordan Spieth từng là hình mẫu kế thừa ngai vàng của Tiger Woods.

Jordan Spieth từng là hình mẫu kế thừa ngai vàng của Tiger Woods.

Một phần lý do khiến chúng ta không thể rời mắt khỏi Spieth, bởi anh không chỉ đang thi đấu với đối thủ, mà còn chiến đấu với cái bóng khổng lồ do chính mình tạo nên trong quá khứ. Khi nói đến “màn tái xuất” của Spieth, người ta không nhắc đến một khoảnh khắc lóe sáng ngẫu nhiên, mà là hành trình trở lại của bản lĩnh và đẳng cấp từng khiến thế giới golf chao đảo.

Và nếu có nơi nào có thể đánh thức những gì tinh túy nhất trong con người Jordan Spieth, thì đó chính là Augusta National. Giữa anh và sân golf huyền thoại này tồn tại một sợi dây liên kết thiêng liêng: nơi vinh quang và bi kịch luôn song hành. Sân đấu này từng chứng kiến màn ra mắt ấn tượng năm 2014, chiến thắng lịch sử năm 2015, suýt tái lập kỳ tích năm 2018… nhưng cũng nơi đó là sự sụp đổ đau đớn năm 2016, nỗi thất vọng tràn trề năm 2017, và cơ hội vụt tắt năm 2021. Nếu số phận có phần công bằng hơn, tủ áo của Spieth đã có thêm vài Chiếc áo xanh, thay vì chỉ một chiếc lặng lẽ treo bên cạnh những áp lực vô hình của kỳ vọng chưa thành.

Tất cả điều đó buộc chúng ta phải điều chỉnh lại cách nhìn về Spieth và vị trí của anh trong thế giới golf. Spieth vẫn là “nghệ sĩ” của làng golf hiện đại, vẫn có thể tạo nên kỳ tích tại những sân phù hợp với phong cách thi đấu riêng. Nhưng giấc mơ về một Spieth thống trị mỗi tuần - như năm 2015 - đã thuộc về quá khứ. Năm 2015 không còn là thước đo thành tích cho tương lai, mà là khoảnh khắc kỳ diệu không lặp lại.

Giờ đây, những tên tuổi lớn như Scheffler, Rahm, McIlroy, Schauffele là “hằng số”, luôn hiện diện trên top bảng xếp hạng. Còn Spieth? Anh giống như một “ngày lễ” - không đến thường xuyên, nhưng luôn được mong chờ, rồi nhanh chóng đi qua. Với Spieth, mỗi vòng đấu là một cuộc phiêu lưu, có thể rực rỡ, có thể hỗn loạn, nhưng luôn chân thực.

Spieth không đại diện cho sự hoàn hảo, mà là biểu tượng của vẻ đẹp không trọn vẹn - nơi chiến thắng không phải lúc nào cũng là điểm đến, mà là hành trình của cảm xúc, là khoảnh khắc khiến người ta cảm thấy sống động nhất. Chính điều đó khiến Spieth luôn có chỗ đứng trong trái tim người hâm mộ.

Sau mỗi golfer luôn là một câu chuyện, có thể rực rỡ trong hào quang, cũng có thể nhuốm màu bi kịch. Nhưng có lẽ, không ai kể câu chuyện của mình hay như Jordan Spieth.

Jordan Spieth, sinh ngày 27/7/1993, là một golfer chuyên nghiệp nổi tiếng người Mỹ. Anh đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng trong sự nghiệp golf với 3 chức vô địch major: The Masters 2015, US Open 2015 và The Open 2017. Năm 2015 là một mùa giải huy hoàng của Spieth, bên cạnh 2 major, anh còn về nhì tại PGA Championship, hạng 4 tại The Open, đăng quang FedEx Cup và bước lên ngôi số 1 thế giới.

Trọng Đạt

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/jordan-spieth-muoi-nam-sau-hao-quang-the-master-va-cau-chuyen-ve-mot-huyen-thoai-golf-dang-do-post1732332.tpo