Josef Kony và ngày tàn 'đạo quân kháng chiến của Chúa'
Kể từ khi ra đời ở miền Bắc Uganda, châu Phi vào năm 1987, 'Đạo quân kháng chiến của Chúa' - viết tắt là LRA, do Josef Kony lãnh đạo đã gây ra cái chết cho hơn 100.000 người tại các quốc gia Sudan, Nam Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo và Cộng hòa Trung Phi, chưa kể khoảng 80.000 trẻ em bị bắt cóc rồi bị ép buộc phải cầm súng hoặc bị lạm dụng tình dục.
Năm 2005, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ Joseph Kony với tội danh diệt chủng, tội ác chống lại loài người, đồng thời ông ta còn bị Interpol truy nã đỏ. Vậy mà cuối năm 2021, Kony lại đề nghị đàm phán hòa bình với điều kiện Cộng hòa Trung Phi phải cấp quyền công dân cho ông ta…
LRA – Đạo quân của thần chết
Năm 1987, Joseph Kony thành lập “Đạo quân kháng chiến của Chúa” ở miền Bắc Uganda với mục đích lật đổ chính quyền của Tổng thống Yoweri Museveni để thành lập nhà nước thần quyền. Trước đó, tháng 1-1986, Kony cầm đầu nhóm thanh niên thuộc bộ tộc Acholi, liên kết với các cựu binh thuộc Mặt trận Giải phóng quốc gia Uganda, tiến hành cuộc đột kích đầu tiên nhắm vào quân đội chính phủ Uganda ở thành phố Gulu để cướp vũ khí.
Với số súng cướp được cộng với khoảng 600 chiến binh, Kony lập ra “Đạo quân cứu rỗi linh hồn” - viết tắt là UHSA. Chỉ chưa đầy 1 năm, quân số của UHSA đã tăng lên 20.000 người nên UHSA lột xác thành “Đạo quân của Chúa” - LRA và vẫn do Kony thống lĩnh.
Được sự ủng hộ của Liên hiệp quốc, Mỹ và Liên minh châu Phi, sau nhiều trận giao tranh khốc liệt với LRA, quân đội Chính phủ Uganda giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ phía Bắc, nơi được xem là cái nôi của LRA. Nhằm tránh khỏi thất bại đã được báo trước, Kony dẫn hơn 18.000 tay súng còn lại chạy sang Cộng hòa Trung Phi rồi từ đó chia thành nhiều nhóm, tái phát triển và xây dựng lực lượng ở các nước láng giếng như Sudan, Cộng hòa dân chủ Congo. Cho đến năm 2004, quân số của LRA là 104.000 người.
Thời điểm này, các bộ tộc ở miền Nam Sudan cũng đang muốn tách ra để thành lập lãnh thổ của riêng mình, gọi là Nam Sudan. Trước sự xuất hiện của các chiến binh LRA, một số người đứng đầu các bộ tộc ở Nam Sudan xem đó là đồng minh. Nhiều tay súng của Nam Sudan vừa chiến đấu cho quê hương họ, lại vừa đánh thuê cho LRA.
Trong suốt các năm từ 2004 đến 2012, LRA là nỗi kinh hoàng cho người dân Sudan, Cộng hòa dân chủ Congo và Cộng hòa Trung Phi. Lực lượng này là thủ phạm của hàng nghìn vụ đốt nhà, giết người, tra tấn, hãm hiếp, bắt cóc trẻ em, trong đó có vụ chỉ với 30 tay súng, LRA đã tàn sát 345 dân thường, bắt đi 250 người trong một cuộc tấn công kéo dài 4 ngày ở làng Makombo, quận Haut Uele, phía Bắc Congo.
Bên cạnh đó, LRA còn tổ chức những đường dây buôn lậu ngà voi, vàng và kim cương để lấy tiền nuôi bộ máy chiến tranh. Những mặt hàng này có xuất xứ từ Congo, Uganda và Cộng hòa Trung Phi.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, mỗi năm LRA thu được khoảng 10-12 triệu USD. Những tuyên bố ngạo mạn của Kony trong cuộc phỏng vấn của đạo diễn Jason Russell từ một địa điểm không được tiết lộ đã thu hút 50 triệu lượt người xem chỉ trong 4 ngày sau khi nó được đưa lên trang Youtube, chưa kể một cuốn phim dài 30 phút phát trên trang Yahoo nhưng không rõ ai là tác giả, trong đó mô tả cụ thể những hành động tàn ác của đám lính trẻ con LRA với 80 triệu lượt người xem chỉ trong 1 ngày, lại càng thúc đẩy chính phủ Mỹ, chính phủ Uganda, Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa dân chủ Congo quyết tâm tiêu diệt tên tội phạm chiến tranh nguy hiểm nhất thế kỷ XXI.
Những cuộc săn lùng
Ngày 6-10-2005, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ra thông báo truy nã 5 thành viên chủ chốt của LRA, gồm Joseph Kony, Vincent Otti, Raska Lukwiya, Okot Odiambo và Dominic Ongwen với 12 tội danh bao gồm tội ác chống lại loài người, diệt chủng và 21 tội danh về tội ác chiến tranh.
Từ đó đến nay, cuộc săn lùng Joseph Kony và các đồng phạm hầu như không lúc nào ngơi nghỉ nhưng rất khó để biết được chỗ ẩn náu của ông ta mà nguyên nhân là Kony và lực lượng LRA chia thành từng nhóm nhỏ, liên tục di chuyển bằng cách đi bộ qua những cánh rừng nhiệt đới rậm rạp giữa biên giới Congo, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Mỗi khi dừng chân nghỉ ngơi, chiến binh LRA không bao giờ chặt cây dựng nhà mà chỉ nằm trên võng hoặc ngủ ngay dưới đất.
Rút kinh nghiệm qua những vụ máy bay không người lái Mỹ tiêu diệt những phần tử khủng bố, Kony và bộ tham mưu của ông ta không sử dụng điện thoại vệ tinh, radio liên lạc 2 chiều hoặc máy tính mà tất cả mọi mệnh lệnh đều thông qua những liên lạc viên chạy bộ hoặc những lá thư viết tay mã hóa, giấu trong những gốc cây, dưới những tảng đá. Đôi khi cũng có những cuộc tiếp xúc trực tiếp nhưng địa điểm và thời gian được bảo mật tối đa.
Năm 2006, bộ phận chống khủng bố thuộc CIA thu được một cuộc điện thoại vệ tinh của Vincent Otti, phó chỉ huy LRA. Lập tức, Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc ở Congo triển khai một nhóm biệt kích người Guatemala để bắt giữ tên này nhưng sau những cuộc chạm súng, 8 biệt kích Guatemala thiệt mạng còn Vincent Gotti trốn thoát. Mãi đến ngày 2-10-2007, quân đội Uganda mới bắn chết được Vincent Gotti.
Tháng 12-2008, một lần nữa liên quân do Uganda dẫn đầu với sự hỗ trợ tình báo và hậu cần từ người Mỹ, tiến hành “Chiến dịch sấm chớp” mà mục tiêu là Vườn quốc gia Graramba ở Đông Bắc Congo, nơi đặt sở chỉ huy của LRA. Sau những trận không kích dữ dội, liên quân được trực thăng thả xuống nhưng lần này, Kony và các cấp phó của ông ta vẫn trốn thoát.
Tháng 10-2011, sau khi CIA cho biết Kony hiện đang có mặt ở Cộng hòa Trung Phi, Tổng thống Mỹ Obama cho phép triển khai một lực lượng quân sự khoảng 100 người đến đất nước này nhằm hỗ trợ quân đội Cộng hòa Trung Phi tiêu diệt Kony và các phần tử cao cấp của LRA. Đây là lần thứ 12 trong lịch sử nước Mỹ, quân đội Mỹ được cử ra nước ngoài để săn lùng tội phạm chiến tranh - không kể cuộc săn lùng trùm khủng bố Bin Laden kéo dài suốt 13 năm. Tuy nhiên cũng như 2 lần trước, trong số hơn 600 tay súng LRA bị tiêu diệt, không hề có Kony.
Ngày 23-3-2012, Liên minh châu Phi tung ra đòn quyết định bằng cách huy động 5.000 binh sĩ tham gia chiến dịch truy bắt Joseph Kony, bao gồm binh lính người Uganda, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Congo. Khu vực săn lùng có diện tích gần 300.000 km2 nhưng các bên tham gia không đạt được thỏa thuận về chiến lược cơ bản, chủ yếu là quân đội của quốc gia này có quyền tự do vượt qua biên giới quốc gia khác để truy đuổi Kony hay không, nên cuối cùng chiến dịch kết thúc mà không mang lại kết quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, nhiều người lính tham gia chiến dịch lại không được đào tạo những kỹ năng cần thiết, trang bị không thích hợp, chưa kể một số còn lạm dụng quyền lực mà cụ thể là lực lượng vũ trang Congo đã cướp và hãm hiếp hơn 100 dân thường, trong đó có 35 phụ nữ, trẻ em gái ở khu chăn nuôi gia súc Mbororo.
Một số người khác bị bắt giam vì tình nghi ủng hộ LRA cũng bị tra tấn, 12 thường dân Mbororo bị bắn chết. Theo Ủy ban nhân quyền Liên hiệp quốc, các tổ chức dân sự ở Uganda đã báo cáo 400 trường hợp phụ nữ bị hãm hiếp bởi Lực lượng phòng vệ nhân dân Uganda trong chiến dịch truy lùng Kony. Điều oái oăm là những phụ nữ ấy được Lực lượng phòng vệ nhân dân Uganda kêu gọi hãy đi theo họ để tránh sự trả thù của LRA.
Ngày tàn của Kony và IRA
Cho đến nay, chiến dịch truy lùng và tiêu diệt Kony vẫn tiếp diễn với sự hợp tác của những tay súng đã từng tham gia LRA nhưng đã đầu hàng quân đội Uganda, Congo hoặc Cộng hòa Trung Phi. Tin tình báo cho biết, Kony được nhìn thấy lần cuối cùng vào tháng 9-2012 tại vùng Kafia Kingi, Cộng hòa Trung Phi, gần biên giới Sudan.
Theo ước tính của các cơ quan an ninh thuộc Liên minh châu Phi, LRA hiện chỉ còn khoảng 800 đến 1.000 quân, phân tán thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm từ 8 đến 10 người và hầu hết đều không muốn cầm súng vì không được trả lương. Một số trở lại đời sống dân thường, trà trộn trong các bộ tộc du mục chăn nuôi gia súc và chỉ miễn cưỡng tập hợp khi có lệnh.
Cuối năm 2021, Kony tái xuất hiện bằng việc gửi một lá thư cho Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Museven. Ông Virginie Baikoua, Bộ trưởng Hành động nhân đạo của Cộng hòa Trung Phi xác nhận là có bức thư này. Trong thư Kony viết “đã sẵn sàng đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn”. Đổi lại ông ta yêu cầu “phải có vị trí trong tiến trình hòa bình và được Cộng hòa Trung Phi cấp quyền công dân”.
Lá thư của Kony xuất hiện trong bối cảnh nhiều chiến binh LRA đã ra trình diện chính quyền. Ông Judes Ngayakon, Thống đốc vùng Haut Mbomou nói: “Gần đây tôi đã tiếp xúc với một nhóm đại diện của LRA. Họ nói rằng họ sẵn sàng giao nộp vũ khí. Theo tôi, có lẽ họ đã mất niềm tin vì không còn bất kỳ sự hỗ trợ nào. Mọi cuộc nổi dậy đều cần đến sự ủng hộ nhất định từ dân chúng nhưng với LRA, bây giờ là con số 0".
Việc Kony yêu cầu “phải có vị trí trong tiến trình hòa bình và được Cộng hòa Trung Phi cấp quyền công dân” đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong xã hội, không chỉ ở Cộng hòa Trung Phi mà còn ở Congo, Uganda, Nam Sudan…
Aubin Kottokpinze, đại diện cho những nạn nhân của LRA ở Haut Mbomou cho biết: “Sau những năm tháng sống dưới sự tàn ác cùng cực của LRA, nhiều người trong chúng tôi chỉ như một cái bóng. Họ không bao giờ còn hồi phục cả về thể xác lẫn tinh thần…”. Một cuộc thăm dò của Tổ chức Quan sát nhân quyền thế giới (HRW) cho thấy có đến 96% những nạn nhân của LRA đều mong muốn Kony cùng các lãnh đạo cao cấp của LRA phải bị đưa ra trước Tòa án Hình sự quốc tế để nhận lại hình phạt tương ứng với những tội ác mà ông ta đã gây ra.
Hiện tại, Cộng hòa Trung Phi cũng như Liên minh châu Phi chưa đưa ra tuyên bố gì về bức thư của Joseph Kony.