Joseph Pulitzer, ông là ai?
Joseph Pulitzer (1847-1911) thuộc số hiếm hoi những con người được sống đúng là mình, vì đã tìm được công việc phát huy hết tình yêu, tư tưởng và thiên tài riêng có, để cống hiến được nhiều nhất cho xã hội. Công việc ấy - làm báo - giúp ông hưởng một cuộc đời viên mãn.
Được con gái thông thái và sành điệu của một gia đình giàu có bậc nhất Hoa Kỳ thời ấy yêu thương và làm vợ, ông có bảy người con, hai người không may mất sớm; còn lại tất cả con cháu đều thành đạt.
Thu nhập từ lao động của ông là "khủng" lúc bấy giờ. Hiểu lầm và va chạm này nọ, tất cả đều kết thúc có hậu, nhờ bản lĩnh sống tích cực.
Cuối đời, ông bị lòa, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Nhưng ông không buồn phiền, và ra đi thanh thản. Ông vĩnh viễn đứng lại sừng sững trong báo chí, văn hóa và lịch sử thế giới, như một tượng đài của bao dung và hòa hợp. Ông là một người bác bỏ quyết liệt và hùng hồn kỳ thị chủng tộc.
Cha của Joseph Pulitzer là một doanh nhân Hungary sừng sỏ và được kính trọng, do năng động và luôn "chơi đẹp" với đồng nghiệp và đồng bào. Những phẩm chất ấy được di truyền lại cho các con, đặc biệt là Pulitzer, cậu bé mảnh khảnh.
Từ khi cha mất, năm 1858, việc làm ăn bị ngưng trệ, gia đình rơi dần vào túng bấn. Không đầu hàng số phận, Pulitzer xoay xở đủ kiểu để lập thân, kể cả việc xin nhập ngũ. Rất nhạy bén với biến động thời cuộc, Pulitzer biết rất sớm việc người Mỹ đang tuyển mộ lính đánh thuê cho cuộc nội chiến nam bắc của họ.
Năm 1864, ở tuổi 17, Pulitzer cùng em trai dũng cảm lên đường. Song sau bao sóng gió đại dương, Pulitzer phát hiện ngay rằng phần lớn tiền đáng lẽ trả cho những thanh niên Lục địa già đã vào túi các cò mồi gian xảo. Ông bèn bỏ Boston, nơi vừa tới và tìm đến New York, được nhận vào đội quân kỵ mã của tổng thống Abraham Lincoln (1809-1865), với giá sòng phẳng là 200 USD bấy giờ.
Tám tháng sau, cuộc nội chiến kết thúc, ông rời quân ngũ, hai bàn tay trắng. Ông trở về New York, loay hoay tìm việc. Ông tới bang Massachusetts, nhưng nghề săn bắt cá voi thật buồn tẻ. Ông lộn lại New York, tiền sắp hết nhẵn, ăn uống vạ vật, đêm đêm ngủ trong toa xe lửa bỏ trống.
Ông vẫn bình tĩnh tìm hiểu nước Mỹ, và hay rằng ở bang Missouri, nhất là thành phố Saint Louis, người Đức sinh sống rất nhiều. Vốn thạo tiếng Đức, ông quyết định tới thành phố đó bằng được và suýt đói lả, nếu không còn chiếc mùi xoa trắng kỷ vật, đem bán lại được 75 xu.
Hỏi và biết có một trang trại nuôi la ở ngoại ô cần người, ông đi bộ luôn hơn sáu cây số. Được nhận tắp lự, ông làm việc chỉ hai ngày. Lý do bỏ việc cũng đơn giản: thức ăn quá tồi, bọn la "đồng bóng", ông không quản nổi. Sức khỏe kém, ông không kham nổi những việc nặng nhọc. Vả lại, quá tự trọng và không dễ chấp nhận bị xúc phạm, ông không theo đuổi lâu được việc nào.
Lâu nhất là bồi bàn ở một hiệu ăn nổi tiếng của Saint Louis. Ở đây, ông luôn luôn lễ phép và nhanh nhẹn, nên được khách hàng quý mến. Ông tranh thủ làm quen được một số nhân vật nhập cư lẫy lừng, học hỏi được khá nhiều.
Một lần, có lẽ vì đãng trí, ông để tuột khỏi tay một khay thức uống. Bia đổ ướt áo một chủ nhà hàng. Ông đành phải từ giã. Ít lâu sau, một nhóm người thất nghiệp rủ ông, góp tiền đặt cọc, để đến bang Luisana, làm cho một nông trại mía. Thực tế, đó là một cú lừa.
Bức xúc cho mình một, ông bức xúc cho bạn cùng cảnh ngộ mười. Ông có cách bộc lộ nỗi niềm tưởng chừng khó tỏ. Số là, ở gần nơi ông làm việc, có một thư viện. Ông thường đến đấy học tiếng Anh và ngốn ngấu sách đủ loại. Bây giờ, ông tự thấy có thể kể lại chuyện bị lừa . Ông cặm cụi viết thành một bài khá dài. Và gửi đến tờ báo địa phương Westliche Post. Bài được đăng. Cuộc đời Pulitzer bất ngờ rộng mở…
Ấy là do, hai luật sư và một nhà giải phẫu học làm việc ở cùng tòa nhà với báo Westliche Post, đã thích thú bài viết của Pulitzer, bất ngờ thấy ông đến lĩnh nhuận bút, chú ý đến thần thái khác lạ của ông, gọi ông là Shakespeare, bàn nhau kiếm giúp ông một công việc. Pulitzer được nhận vào một dự án đường sắt, chuyên ghi chép về những địa điểm một đường xe lửa sắp mở chạy qua.
Hết việc này, ông được ba nhà trí thức kể trên bố trí cho một chỗ riêng trong văn phòng của họ để ngủ ban đêm và ban ngày, được khuyến khích tự học luật trong thư viện của họ. Bấy giờ ba người đang chuẩn bị mở một quán bar.
Ngày 6-3-1867, Pulitzer từ bỏ tư cách thần dân trung thành của đế quốc Áo - Hung và trở thành công dân Mỹ. Ông vẫn đều đều đến đọc ở thư viện Saint Louis, đến độ giám đốc thư viện nể phục, và hai người trở nên tri kỷ suốt đời. Chơi cờ là một niềm vui phụ của Pulitzer.
Ở đây, ông thường gặp và có lúc cùng chơi với Carl Schurz, đồng sáng lập Westiliche Post, một tấm gương về tư tưởng dân chủ và thành công ở Mỹ của một người nhập cư, nhờ quyết tâm, nghị lực và kiến thức được thu nhận kỳ công, không ngơi nghỉ và bền bỉ.
Năm 1868, quán bar của ba ân nhân mở cửa. Pulitzer được vào làm. Nhưng tiếng Anh nói khá tệ và vẻ ngoài "kỳ quái" của ông khiến đa phần khách hàng e ngại. Ba ông chủ quán bar phân cho Pulitzer việc ghi nợ của khách hàng ở quán, đồng thời làm hộ tịch cho trẻ sơ sinh ở tòa thị chính.
Khi Westiliche Post cần thêm người, ông đồng chủ bút Carl Schurz liền mời Pulitzer. Dù là biên tập viên hay phóng viên, ông đều làm việc không dưới 12 giờ một ngày. Đặc biệt, ông luôn luôn vui vẻ và tỏ ra vô cùng nhạy bén. Đồng nghiệp và bè bạn đặt cho ông biệt danh trìu mến "Gã Đức toe toét" hay "Thằng Do Thái rộn ràng".
Báo chí không thể xa rời chính trị. Nghĩ vậy, ông gia nhập đảng Cộng hòa. Năm 1869, đảng này có một ghế hạ viện bị khuyết. Lãnh đạo đảng thống nhất đề cử Joseph Pulitzer. Một ứng viên nữa không tán thành. Pulitzer tự tổ chức nhiều cuộc vận động.
Tài diễn thuyết pha chất dí dỏm, khiến ông thu phục được lòng người. Kết quả bầu cử, ông thắng 209-147. Lúc đó ông mới 22 tuổi, tức chưa đủ tuổi làm nghị sỹ. Song chuyện ấy được cho qua.
Tuy nhiên, thấy nội bộ đảng Cộng hòa có không ít tham nhũng, năm 1872, ông chuyển sang đảng Dân chủ. Trong nhiều năm liền, ông luôn tỏ rõ là một nghị sỹ năng nổ, đáng kính phục. Với ông, báo chí mới là lý tưởng cuộc đời. Viết nhiều, viết hay, viết đều, ông được lãnh đạo Westiliche Post tín nhiệm, cất nhắc.
Thu nhập cũng tăng vọt. Ông xin mua một phần tờ báo với giá 3.000 USD. Sau đó ít lâu, ông nhượng lại, để năm 1879, mua cùng lúc tờ tập san Saint Louis Post và tờ Saint Louis Dispatch, để sáp nhập thành một, - lấy tên sau. Tờ báo mới trở thành một nhật báo, tồn tại cho tới ngày nay, mà lãnh đạo là hậu duệ của Pulitzer cho tới 1995.
Năm 1883, Pulitzer mua lại tờ New York World, đang lỗ mỗi năm 40.000 USD, với giá 360.000 USD, và cứu sống nó một cách ngoạn mục. Ông cho đăng quảng cáo, mở rộng giới hạn của thông tin, phơi bày những thói hư tật xấu trong xã hội, như vụ lợi, tội ác, thảm họa, bê bối…
Dù vậy, lượng phát hành của Thế giới New York vẫn cầm chừng. Ông suy nghĩ rất nhiều, nhất quyết làm sao để báo của mình đến được với nhiều độc giả nhất có thể. Không gì bằng văn chương nghệ thuật!
Bấy giờ, truyện tranh mới ra đời, đang cuốn hút người đọc, chủ yếu là trẻ nhỏ. Pulitzer tìm hiểu thế giới nghệ thuật mới mẻ ấy, và chú ý đặc biệt tới Richard Felton Outcault (1863-1928), rất trẻ nhưng đã khá hiểu xã hội đương thời và có biệt tài hài hước, ngày nay được coi là cha đẻ của truyện tranh Mỹ. Ông cử người hợp tác với chàng trai, bố trí cho chàng làm việc toàn thời gian với Thế giới… để chàng không phải lo cuộc sống thường nhật.
Được gợi ý định hướng, và nhất là được một nhân vật lẫy lừng như Pulitzer tin tưởng và tôn trọng, R.F.Outcault hăm hở lần mò khắp nơi để tìm đề tài mong mỏi. Anh bỗng thấy một chú bé gốc Phi hay lang thang ở ngoại ô một thành phố nhỏ. Chú bé tỏ ra láu lỉnh và được bạn bè ngầm suy tôn như thủ lĩnh. Lạ là chú hay mặc một chiếc áo màu vàng thùng thình, có vẻ là áo của bà hay của mẹ.
Trên chiếc áo ấy, chú thường viết nhiều câu vui đùa, chế giễu hay đả kích. Những câu đó thường thay đổi liên tục. Chúng vô tình nêu lên một cách ám ảnh sự phân biệt giàu nghèo, chủng tộc, trẻ em người lớn, dân nội đô và dân ngoại thành…
Outcault tiếp cận chú và hiểu thêm nhiều chuyện. Đó là một em bé thông minh yêu đời, nhưng sống chật vật cùng gia đình, việc học hành vô cùng nan giải. Tư tưởng của truyện tranh chín dần, Outcault bắt tay vào vẽ. Lúc đầu định vẽ đen trắng như mọi người vẫn làm lúc ấy. Song Pulitzer khích lệ vẽ màu.
Thế là lần đầu tiên, từ 1885 đến 1898, trên các phụ bản của Thế giới… vào chủ nhật, xuất hiện đều đặn các tập của truyện tranh vui Chú nhóc vàng của Richard F.Outcault, thành công ngoài mong đợi. Từ 15.000 bản tăng dần lên 600.000 bản mỗi ngày, tờ Thế giới... của ông trở thành tờ báo lớn nhất nước.
Do ghen tỵ hoặc chưa nhận chân được giá trị của cuộc cách mạng báo chí của Pulitzer, không ít người chỉ trích ông nặng nề. Có kẻ muốn ngăn trở và vô hiệu hóa ông. Biệt danh "Tên Judas Pulitzer" và "Trùm báo chí vàng" (ý nói báo rẻ tiền) không làm ông dao động.
Tiếc rằng, những người kế nghiệp đã chỉ chăm chăm giật gân câu khách, Thế giới… của Pulitzer chết hẳn từ 1931. Nhưng sự tôn sùng báo chí của ông thì "tăng trưởng" không ngừng…
Năm 1892, ông tặng Đại học Tổng hợp Columbia một số tiền khủng (không tiết lộ), đề nghị Trường lập một khoa đào tạo báo chí. Hiệu trưởng bấy giờ không nhận. Năm 1902, hiệu trưởng kế tiếp chấp nhận. Năm 1904, Pulitzer và ĐH Columbia ghi nhận việc trường sẽ trao giải thưởng báo chí thường niên mang tên ông, ngoài chuyện lập viện báo chí.
Tiếp đó, Pulitzer dành cho trường Columbia 2.000.000 USD trong di chúc của mình. Song mãi năm 1912, khi Joseph Pulitzer đã tạ thế, viện báo chí Pulitzer mới ra đời trong ĐH Columbia. Không lâu, viện thứ hai tương tự được mở ở đại học tổng hợp bang Missouri. Đó là hai trường báo chí đầu tiên trên thế giới. Hôm nay, chúng vẫn thuộc nhóm đại học báo chí lẫy lừng nhất toàn cầu.
Từ năm 1917, giải báo chí Pulitzer được Đại học Columbia trao tặng theo ý nguyện của nhà báo ở nhóm đỉnh vài tên tuổi chói lọi nhất trong lịch sử báo chí thế giới. Theo thời gian, giải dành tặng những thành tựu xuất sắc nhất năm qua của không những báo chí, mà cả văn chương và âm nhạc - Người được tôn vinh, ngoài vài biệt lệ, chỉ là người Hoa Kỳ. Hiện nay, báo chí - được xem xét sâu hơn và vào nhiều thể loại mới.
Giải Pulitzer là một trong bốn giải thưởng được biết đến nhiều nhất và trân trọng nhất toàn cầu. Nhìn tổng thể, giải Pulitzer gắn với chính trị quyền lực hơn các giải "bè bạn" khác, kể cả trong văn học, như Goncourt của Pháp, Booker Prise của Anh hay Nobel của Thụy Điển.
Ba giải Goncourt, Nobel, Pulitzer được khởi xướng trong những năm chuyển giao thế kỷ XIX và XX, do các cá nhân nặng lòng với nhân loại. Booker Prise, do một công ty sách chủ trương, và xuất hiện từ năm 1968.
Về ngôn ngữ, Goncourt xét tặng các tác phẩm viết bằng tiếng Pháp; Booker Prise, chỉ những tác phẩm viết bằng tiếng Anh; Nobel thì tác phẩm viết bằng bất kỳ tiếng nào, nhưng phải được dịch sang tiếng Anh. Về mặt tài chính, nếu Goncourt của Pháp chỉ có tính tượng trưng (vài euros), Nobel trị giá khoảng một triệu USD, Booker Prise, 50.000 bảng Anh, thì Pulitzer là 10.000 đô la Mỹ.
Không ngẫu nhiên, Josehp Pulitzer tạo dựng được một sự nghiệp đáng ngưỡng vọng đến thế. Hơn ai hết, ông nhận chân được tương quan máu thịt của báo chí với chính trị. Từ đó, ông nhìn ra sứ mệnh của báo chí.
Ông khẳng định: "Nền cộng hòa của chúng ta và báo chí của nó cùng lớn mạnh hay cùng suy sụp" (Xin xem bức tem bưu điện tưởng niệm ông).
Sự sùng bái báo chí ấy khởi phát từ cảm nhận của ông về báo chí vẫn rất thời sự: "Không tội ác nào, không thủ đoạn nào, không cú bẩn thỉu nào, không trò lừa mị nào, không thói xấu nào có thể tồn tại, nếu không có những bí mật bao bọc. Hãy phơi bày những bí mật ấy ra giữa thanh thiên bạch nhật, hãy miêu tả chúng rõ ràng, hãy tấn công chúng, hãy chế giễu chúng trên mặt báo; sớm hay muộn, dư luận xã hội sẽ tống cổ chúng đi…".
Ý nghĩ này đâu phải dành cho báo lá cải, mà cho báo chí nói riêng và truyền thông nói chung đích thực…
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/joseph-pulitzer-ong-la-ai-550124/