Jun Phạm trải lòng về sống - chết và lý do ăn chay
Jun Phạm trở lại với 'Nhà có một người' mùa hai, phiên bản mới có tên 'Không trà thì bánh'. Vẫn là căn nhà ấm áp, vẫn là căn bếp nhỏ đầy đủ tiện nghi với rất nhiều món ăn ngon nhưng không chỉ là những thước phim kể lại nhịp sống thường nhật, mà còn là những cuộc trò chuyện với khách mời.
Cách đây hai năm, Jun Phạm đã ra mắt series đặc biệt mang tên “Nhà có một người” trên Youtube, là những tập phim ngắn xoay quanh cuộc sống độc thân nhưng vẫn thư thái và nhiều màu sắc trong căn nhà của riêng mình. Hơn 12 năm bước vào showbiz, những khán giả yêu mến, quan tâm Jun Phạm từ thuở anh còn là thành viên của nhóm 365, cho đến khi anh dần trưởng thành trên con đường một nghệ sĩ và được các khán giả trẻ bây giờ gọi là “chú”, Jun Phạm của hôm nay đã khác rất nhiều. Từ “Nhà có một người” đến “Không trà thì bánh”, mọi người sẽ được kết nối với Jun thông qua các món ăn, nhịp sống, những tâm sự sâu kín nhất trong lòng.
Vẫn là “nhà có một người”, nhưng sẽ đông khách hơn
Sự chiêm nghiệm về cuộc sống, thế giới quan, sự nghiệp, tình yêu, tình cảm gia đình được Jun “kể” rất khéo léo và dịu dàng trong chính nhịp sinh hoạt đời thường, trong căn nhà nhỏ ấm áp và căn bếp khiến ai cũng muốn ở lại. Nhà của Jun tuy chỉ có một người, nhưng đó không phải một nơi đơn độc, mà vẫn là một tổ ấm đầy tình yêu.
Đầu năm nay, Jun Phạm cùng ekip quay trở lại với “Nhà có một người” mùa hai, phiên bản mới “tiến hóa” hơn có tên “Không trà thì bánh”. Vẫn là căn nhà ấm áp của mình, vẫn là căn bếp nhỏ đầy đủ tiện nghi với rất nhiều món ăn ngon nhưng “Không trà thì bánh” không chỉ là những thước phim kể lại nhịp sống thường nhật của Jun nữa, mà còn là những bữa trà chiều, những cuộc trò chuyện với các khách mời đặc biệt.
“Các khách mời của “Không trà thì bánh” là những MC, những người luôn đặt câu hỏi cho người khác, nhưng liệu họ có muốn ai đó đặt câu hỏi cho bản thân không. Jun đã rất tò mò và muốn mình sẽ là người khai thác họ, vì Jun tin rằng họ sẽ có những góc nhìn riêng biệt với những điều bình thường nhất” - Jun Phạm chia sẻ về những cuộc nói chuyện sẽ xuất hiện trong “Nhà có một người” phiên bản mới.
Nhà vẫn là của một người, nhưng sẽ có thêm nhiều khách viếng thăm. Bên cạnh bánh trái, trà nước, sẽ còn là những mẩu chuyện giản dị mà chân thành, là khoảnh khắc trải lòng với nhau về cuộc đời, về tổ ấm, thói quen, và cả cái chết.
Số đầu tiên, đầu năm, nhưng không ngại nói về “cái chết”
Vị khách đầu tiên “xông đất” series “Không trà thì bánh” chính là Liêu Hà Trinh. Trinh là một MC, cũng là một tác giả giống như Jun. Họ là những người bạn biết nhau đã trên mười năm, từ thời Jun còn là một thực tập sinh ở VAA. Trong quá khứ, Trinh đã từng có những cuộc trò chuyện thấu ruột thấu gan với Jun bằng tư cách là một MC thì nay với “Không trà thì bánh”, Jun chính là người sẽ “khai thác” Trinh ở một góc độ khác hơn, gần gũi hơn nhưng vẫn chân thật, trong chính tổ ấm của mình.
Bữa gặp mặt đầu năm với Liêu Hà Trinh sẽ có món bánh omelette dâu và trà nóng do chính tay Jun vào bếp. Cuộc trò chuyện xoay quanh chủ đề là “sự sống và cái chết” nhưng tin rằng với những quan điểm rất độc lập và đặc thù của mỗi người, khán giả sẽ có nhiều cảm xúc cũng như được khơi gợi nhiều điều sâu kín nhất trong lòng mình. Chúng ta có chuẩn bị cho cái chết của mình không? Bạn có sợ chết không? Hay thực ra chúng ta đang “chết đi và sống lại” mỗi ngày? Những điều tưởng như nặng nề thực chất sẽ nhẹ như mây nếu ta nhìn nó với một lăng kính phù hợp.
Những tranh cãi xoay quanh việc “chết có áp lực hay không” khiến buổi nói chuyện ngay lập tức trở nên thú vị vì các quan điểm đối lập từ lối sống, cũng là đại diện cho hai lối sống mà ngày nay người ta hay hướng đến. Với Hà Trinh, đó là cuộc sống nhiều trách nhiệm, dự tính và ràng buộc với người thân, gia đình hay tài sản mình để lại. Chính vì vậy mà kể cả khi không “sợ chết”, Trinh vẫn lên kế hoạch, tính toán nhiều đường về những liên quan đến mình với mục đích để người thân không phải gặp quá nhiều chuyện khó khăn sau khi mình ra đi.
Ngược lại, Jun đại diện cho những người có lối sống không ràng buộc. Không có nghĩa là ta sẽ trở thành một người vô trách nhiệm mà ngược lại, chính vì không có cảm giác phải ràng buộc với điều gì đó sau khi mất đi mà ta sẽ toàn tâm toàn ý cho hiện tại nhiều hơn, cũng như đối diện với mọi thứ thật thoải mái.
“Khi ta mất đi, dù thế nào thì chắc chắn những người ở lại sẽ phải “dọn dẹp” nhiều thứ như quần áo, hình ảnh, hay kể cả những cảm xúc trong lòng. Giống như khi mẹ Jun mất cách đây nhiều năm. Nhưng theo thời gian, mọi cảm xúc cũng sẽ thay đổi, cách mà gia đình Jun nhìn về sự kiện đó mỗi ngày sẽ nhẹ nhàng hơn. Chẳng ai mang theo được gì khi nằm xuống, nên khi mình càng đa mang, càng cho rằng mình sẽ dự trù được nhiều điều sau khi mình chết thì bản thân sẽ càng áp lực về nó” - Jun Phạm trải lòng./.