Kamalanomics - Tầm nhìn kinh tế của bà Harris

Các nhà phân tích dự đoán Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ tiếp nối các chính sách kinh tế của Tổng thống Joe Biden và tập trung vào tầng lớp trung lưu nếu bà đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới.

Ngay tuần đầu tiên vận động tranh cử, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã giới thiệu tầm nhìn kinh tế của bà, tập trung vào tầng lớp trung lưu của Mỹ. Tầm nhìn này dự kiến được áp dụng nếu bà được đảng Dân chủ đề cử và đánh bại ứng viên đảng Cộng hòa – cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Tờ Financial Times gọi tầm nhìn này là "Kamalanomics".

"Xây dựng tầng lớp trung lưu sẽ là mục tiêu quyết định trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi. Nhưng ông Donald Trump muốn đưa đất nước của các bạn đi thụt lùi" – bà Harris phát biểu trong buổi vận động tranh cử hôm 23-7.

Theo Financial Times, về cơ bản, bà Harris ủng hộ những kế hoạch và thành tựu của của Tổng thống Joe Biden. Các quan chức chính quyền ông Biden hiện tại và trước đây cho biết bà Harris dự kiến tiếp tục kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, cải thiện cơ sở hạ tầng và khuyến khích phát triển năng lượng xanh – những kế hoạch được đưa ra dưới thời ông Biden.

 Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong cuộc vận động tranh cử hôm 30-7. Ảnh: REUTERS

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong cuộc vận động tranh cử hôm 30-7. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, bà Harris có thể tập trung nhiều hơn và mạnh mẽ hơn vào "nền kinh tế chăm sóc". Chiến lược này bao gồm tăng cường dịch vụ chăm sóc trẻ em, chế độ nghỉ phép có lương cho gia đình và tài trợ cho giáo dục.

Người tiếp nối

Tổng thống Biden được nhiều chuyên gia đánh giá là người đã đưa Mỹ thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ và giúp tăng việc làm cho người Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người Mỹ không tin vào điều này.

Ông Ernie Tedeschi – cựu kinh tế trưởng tại Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng – chỉ ra rằng dưới thời ông Biden lạm phát tăng cao do đó nhiều người liên kết tình trạng lạm phát này với thành tựu của ông Biden và không tin những điều ông nói. Theo ông Tedeschi, điều này không công bằng.

"Tôi nghĩ rằng có khả năng là cử tri không đổ lỗi cho Phó Tổng thống Harris nhiều như cách họ đã đổ lỗi cho Tổng thống Biden" – ông Tedeschi nói.

Bà Harris được cho là không có nhiều kinh nghiệm về chính sách kinh tế. Các cố vấn kinh tế chính của bà Harris là ông Mike Pyle – cựu chuyên gia kinh tế của tập đoàn quản lý đầu tư toàn cầu BlackRock và bà Deanne Millison – hiện làm về chính sách sản xuất tại công ty Ford Motor.

Các quan chức chính quyền ông Biden cho biết bà Harris có quan điểm trung tả chính thống về chính sách kinh tế. Điều này cho thấy bà có thể tiếp nối các chính sách của ông Biden.

Trong một cuộc họp báo gần đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đánh giá: "Tôi cảm thấy rằng các giá trị cốt lõi trong các chính sách của chính quyền này là những giá trị mà Phó Tổng thống Harris hết sức ủng hộ".

"Rõ ràng là bà ấy ủng hộ các gia đình trung lưu, bà ấy biết rằng họ là chìa khóa cho sức mạnh kinh tế của Mỹ. Bà ấy tập trung vào việc tạo ra nhiều việc làm tốt, giảm chi phí cho người Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng như chăm sóc trẻ em và chăm sóc sức khỏe, đào tạo người lao động trong các ngành công nghiệp tương lai” – bà Yellen nói.

Trọng tâm các chính sách của bà Harris

Các chính sách mà bà Harris đang ủng hộ nhằm thúc đẩy mạng lưới an sinh xã hội của Mỹ từng nằm trong kế hoạch trị giá 3.500 tỉ USD của ông Biden vào năm 2021. Nhưng quốc hội Mỹ không thông qua kế hoạch này.

 Công nhân làm việc tại nhà máy ở Dalton, bang Georgia (Mỹ) năm 2023. Ảnh: REUTERS

Công nhân làm việc tại nhà máy ở Dalton, bang Georgia (Mỹ) năm 2023. Ảnh: REUTERS

Ông Ben Harris – cựu trợ lý kinh tế của ông Biden – cho rằng với kinh nghiệm của bà Harris trong việc vận động giảm chi phí thuê nhà trong thời gian bà làm thượng nghị sĩ, các chính sách của bà có thể tập trung vào nhà ở.

Nếu đúng như vậy, đây sẽ là sự tiếp nối các chính sách của chính quyền ông Biden. Nhà Trắng gần đây đã công bố kế hoạch hạn chế mức tăng tiền thuê nhà trên toàn quốc và đã phân bổ thêm tiền để mở rộng nguồn cung nhà ở giá rẻ.

Trong khi đó, bà Felicia Wong – từng là thành viên ban cố vấn của ông Biden – hy vọng bà Harris sẽ vận động quyết liệt hơn cho các công đoàn. Một trong những cuộc vận động tranh cử đầu tiên của bà Harris là với các thành viên của Liên đoàn Giáo viên Mỹ – công đoàn giáo viên lớn thứ hai của nước này.

“Một trong những cách tốt nhất để đất nước chúng ta tiến lên là trao cho người lao động tiếng nói: bảo vệ quyền tự do tổ chức, bảo vệ quyền tự do thương lượng tập thể, chấm dứt tình trạng phá vỡ công đoàn” – bà Harris phát biểu tại Houston, bang Texas, hôm 25-7.

Tuy nhiên, theo Finnacial Times, thách thức chính của bà Harris là cần chứng minh ông Trump và đảng Cộng hòa không ủng hộ các chính sách có lợi cho người lao động.

Bà Harris từng chỉ trích ông Trump về các chính sách kinh tế ông đưa ra. Nữ phó tổng thống cho rằng những chính sách này sẽ gây hại cho các gia đình lao động, bao gồm cắt giảm thuế cho người giàu và các tập đoàn Mỹ, áp thuế nhập khẩu trên diện rộng và trục xuất hàng loạt người nhập cư. Bà Harris được cho sẽ tiếp nối chính sách của ông Biden, về việc không tăng thuế đối với những người có thu nhập dưới 400.000 USD/năm.

Ông Bharat Ramamurti – cựu phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của ông Biden – cho biết: "Cuối cùng, vào tháng 11, cử tri sẽ có sự lựa chọn về hai con đường khác nhau cho tương lai. Chiến dịch [của bà Harris] càng tập trung vào [chỉ trích] chương trình nghị sự của ông Trump, tôi nghĩ rằng họ sẽ càng có thể thuyết phục cử tri rằng đó là con đường sai lầm".

Ngoài ra, bối cảnh kinh tế đang cải thiện như hiện tại có thể cho phép đội ngũ tranh cử của bà Harris quảng bá những thành công trong giai đoạn bà làm phó tổng thống, đồng thời tạo ra sự lạc quan cho các cử tri.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/kamalanomics-tam-nhin-kinh-te-cua-ba-harris-post803468.html