Kaspersky sẽ bị 'cấm cửa' tại Mỹ?

Theo Reuters, chính quyền ông Joe Biden dự kiến sẽ cấm bán giải pháp phần mềm chống virus của Kaspersky tại Mỹ vào cuối tuần này.

Theo Neowin, thông báo sẽ sớm được đưa ra trong tuần này do chính quyền ông Joe Biden lo ngại phần mềm của Kaspersky đang được những nhà cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng cũng như chính quyền tiểu bang cùng địa phương sử dụng.

Chính quyền Mỹ lo ngại Kaspersky có thể gây ra một rủi ro nghiêm trọng vì nó có quyền truy cập đặc quyền vào những hệ thống máy tính, từ đó có thể đánh cắp các tài liệu nhạy cảm hoặc thậm chí giữ lại những bản cập nhật bảo mật quan trọng khiến cho hệ thống có nguy cơ bị tấn công mạng.

Những biện pháp trừng phạt Kaspersky có thể diễn ra từ ngày 29.9

Những biện pháp trừng phạt Kaspersky có thể diễn ra từ ngày 29.9

Báo cáo nêu rõ những hạn chế đối với Kaspersky, bao gồm cấm tải xuống các bản cập nhật phần mềm, bán lại cũng như cấp phép sản phẩm. Nếu chính phủ tiến hành kế hoạch, những biện pháp trừng phạt sẽ có hiệu lực vào ngày 29.9 năm nay. Sự trì hoãn này nhằm giúp những doanh nghiệp và các tổ chức khác có thời gian tìm sản phẩm thay thế.

Lệnh cấm gây ảnh hưởng đến những sản phẩm tích hợp Kaspersky vào phần mềm dưới một tên khác. Những công ty bị ảnh hưởng sẽ được thông báo để họ có thể điều chỉnh kế hoạch.

Được biết, lệnh cấm Kaspersky được quyết định sau khi Bộ Thương mại Mỹ thực hiện một cuộc điều tra an ninh quốc gia về phần mềm. Lệnh cấm đã được trì hoãn do có sự trao đổi qua lại giữa Bộ Thương mại Mỹ và Kaspersky về những biện pháp giảm nhẹ mà nhà sản xuất phần mềm chống virus của Nga đề xuất. Tuy nhiên, Bộ Thương mại đã quyết định không có biện pháp giảm nhẹ nào được chấp nhận.

Trước đó vào năm 2017, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng đã cấm tất cả các cơ quan liên bang sử dụng phần mềm Kaspersky, viện dẫn mối quan ngại về an ninh quốc gia, nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. Vào thời điểm đó, ông Eugene Kaspersky, nhà sáng lập kiêm CEO của Kaspersky Labs, đã lên án động thái này là “sự hoang tưởng hoàn toàn vô căn cứ”. Công ty an ninh mạng của Nga cũng đã nộp đơn kiện, nhưng sau đó bị tòa án bác bỏ.

Được thành lập tại Moskva vào năm 1997, Kaspersky Lab đã trở thành một trong những công ty phần mềm diệt virus thành công nhất thế giới cùng với những đối thủ Mỹ như McAfee và Symantec. Những nhà nghiên cứu của Kaspersky Lab nổi tiếng với việc phân tích những hoạt động tấn công mạng của các chính phủ, cũng như những mối đe dọa tội phạm mạng ảnh hưởng đến người dùng hàng ngày.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kaspersky-se-bi-cam-cua-tai-my-275837.html